Đau thần kinh tọa phần lớn không cần mổ
Đây là một hội chứng rất thường gặp ở tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ, nhất là những người lao động chân tay. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh (chiếm 60-90%). Một số trường hợp còn do có các chất trung gian hóa học gây viêm.
Triệu chứng điển hình là xuất hiện đau sau một sự gắng sức, khởi đầu là đau lưng. Vài giờ hoặc vài ngày sau đau tiếp tục tăng và lan xuống mông, khoeo, cẳng bàn chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có khi âm ỉ nhưng thường là dữ dội, tăng lên khi ho, hắt hơi, cúi và giảm khi nằm yên trên giường cứng, gối co lại.
Bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bàn chân. Một số người bị đau ở hạ bộ và đau khi đại tiểu tiện.
Các biện pháp chữa đau thần kinh tọa bao gồm:
Điều trị nội khoa: Bệnh nhân cần bất động trong giai đoạn đau cấp tính và vận động sớm ngay khi đau giảm nhằm tăng khả năng của cơ cột sống. Có thể kết hợp vật lý liệu pháp: Dùng nhiệt, xoa nắn chỉnh hình, điện xung, sóng ngắn, châm cứu, kéo giãn cột sống. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc chống viêm giảm đau và một số thuốc khác.
Điều trị can thiệp: Bao gồm tiêm Chymopapaine vào đĩa đệm làm tiêu nhân nhày (gần đây ít được dùng do dễ gây dị ứng, vôi hóa đĩa đệm), giảm áp đĩa đệm bằng laser, lấy nhân nhầy qua da bằng tay. Gần đây, ở Việt Nam bắt đầu ứng dụng sóng có tần số radio.
Phẫu thuật: Áp dụng cho các trường hợp đau rất nhiều, liên tục, không giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giảm đau, liệt hay yếu các nhóm cơ liên quan đến thần kinh tọa... Gần đây kỹ thuật mổ nội soi được ứng dụng, giúp hạn chế tổn thương và nguy cơ xơ hóa sau phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật là 70-90%.
Phần lớn các trường hợp đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm có thể chữa khỏi bằng nội khoa bảo tồn; chỉ có khoảng 20% phải can thiệp và phẫu thuật.
(Theo 24h.com.vn)