Mang thai tháng thứ 2 ăn gì cho an toàn?
Trong tháng này bào thai đang hình thành các bộ phận quan trọng của cơ thể. Vì vậy ăn uống có khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết trong thời kỳ đầu mang thai.
Em bé trong bụng cần có đủ lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển não và thể chất. Trong đó, đặc biệt ba chất sinh năng lượng là chất bột đường, chất đạm và chất béo. Càng không thể thiếu chất xơ, các vitamin và khoáng chất.
Với nhu cầu tăng thêm 300kcal/ngày, thai phụ cần ăn tăng thêm 1/2 chén cơm (hay chất bột đường khác như bún, phở, hủ tiếu, mì, nui, khoai củ…) cho mỗi bữa ăn, 2 ly sữa mỗi ngày và ăn thêm 1 – 2 bữa phụ ngoài 3 bữa ăn chính với các loại bánh, trái cây, sữa chua…
Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu, phô mai… Cần tăng thêm 15g đạm (70 – 80g thịt cá) mỗi ngày. Chất béo từ dầu, mỡ, bơ, margarin, hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng, đậu nành… cung cấp rất nhiều năng lựơng và giúp hấp thu các loại vitamin tan trong chất béo quan trọng như A, D, E, K. Ăn cá rất tốt cho cả hai mẹ con, nhất là các loại cá biển béo.
Nhu cầu canxi của thai phụ tăng rất cao, gấp 2 – 3 lần bình thường (1.000 – 1.500mg/ngày), cung cấp qua 2 ly sữa, 2 miếng tàu hũ lớn, 100 – 200g cá nhỏ nguyên xương hay tôm tép nguyên vỏ, 50g mè.
Cần tăng cường thêm rau, khoai, củ và trái cây tươi, là nguồn cung cấp chất xơ chủ yếu, mỗi ngày 300g để phòng chống biến chứng táo bón trong thai kỳ, cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng.
Mang thai tháng thứ 2 nên ăn gì? Luôn là câu hỏi lớn của các bà bầu, lúc này nhu cầu chất sắt tăng vọt để tạo thêm máu cho mẹ và cho bào thai. Chế độ ăn không cung cấp đủ mà phải uống thêm mỗi ngày một viên sắt – folic do bác sĩ chỉ định từ khi phát hiện có thai và liên tục cho đến một tháng sau sinh. Các thực phẩm giàu chất sắt là huyết, gan, trứng, thịt, cá… Nên dùng kèm với các thực phẩm cung cấp vitamin C như rau, trái cây để tăng hiệu quả hấp thu sắt.
Cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường để cung cấp đủ chất iốt – rất quan trọng trong quá trình tạo phôi và phát triển thai nhi, phòng tránh suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn, thiểu năng trí tuệ. Các thực phẩm giàu kẽm như gan, hải sản như hàu, sò… rất cần thiết cho cơ thể mẹ và thai nhi.
Acid folic (vitamin B9) ngoài tác dụng tạo máu còn cần cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai. Thiếu vi chất này dễ dẫn đến dị tật ống thần kinh, thai vô sọ, tật đốt sống chẻ đôi… mắc phải rất sớm trong thai kỳ. Gan động vật, men bia, các loại rau lá xanh (bông cải xanh, măng tây, rau diếp, bầu bí), đậu, ngũ cốc, thịt, sữa, trái cây (chanh, cam, quýt, chuối, dưa), các chế phẩm từ sữa như yaourt, bánh flan… và trà chứa nhiều acid folic – chất cần cung cấp đầy đủ trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Vitamin B12 giúp tạo máu và duy trì hệ thống thần kinh, có nhiều trong thịt, cá, sữa và chế phẩm từ sữa. Phụ nữ ăn chay hoặc không biết uống sữa cần phải bổ sung B12 trong thai kỳ.
Các vitamin quan trọng khác như vitamin A, B, C, D… cần được cung cấp trong chế độ ăn giàu rau, củ, trái cây tươi và tắm nắng sáng 15 – 20 phút mỗi ngày.
Nguồn: sưu tầm