Nguy cơ gây bại não ở trẻ em và cách phòng ngừa
Bệnh danh bại não nghĩa là yếu các chức năng của não.
Bại não là một dạng nhiều tàn tật nặng nề, đứng vị trí hàng đầu trong mô hình tàn tật của trẻ em. Bại não là do tổn thương các chức năng thần kinh trung ương như chức năng vận động mà hay gặp nhất là liệt các chi và co cứng cơ, chức năng trí tuệ, chức năng các giác quan nói, nghe, nhìn và chức năng kiểm sóat các hành vi. Trong số các nguyên nhân gây ra bại não có nhiều nguyên nhân có thể phòng tránh được.
ảnh minh họa
Không kết hôn cùng huyết thống. Điều này dễ xảy ra ở các quần thể sống cô lập với xã hội như các bản làng vùng sâu vùng xa.
Bố mẹ nhiều tuổi nhất là các bà mẹ trên 35 tuổi thì không nên sinh thêm con. Các bà mẹ mang thai mà bản thân có nhiều yếu tố nguy cơ gây tổn thương cho bào thai thì phải được tư vấn có nên đẻ hay không và khi có thai phải thường xuyên đi khám và đăng ký quản lý theo dõi thai tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Như các bà mẹ có vóc người thấp còi, khung chậu hẹp; các bà mẹ mắc các bệnh mãn tính: tim, thận, lao, đái đường, badơđô; các bà mẹ có nghề nghiệp độc hại nặng nhọc, cuộc sống kham khổ, thiếu thốn, sống trong môi trường độc hại cũng dễ gây ra đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt, mổ đẻ.
Khi có thai các bà mẹ phải hạn chế nguy cơ mắc những bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm các loại vi rút như: cúm, hồng ban, Herpes, Toxoplasma, vi rút tế bào khổng lồ…bởi các vi rút này dễ gây ra dị tật thai nhi, gây thai chết lưu, dị tật thần kinh bào thai như: dị tật não, dị tật thính giác và thị giác. Để tránh nhiễm các loại vi rút này các bà mẹ khi có thai phải cải thiện điều kiện sống, môi trường sống, nâng cao sức khỏe, hạn chế đến nơi đông người và tránh xa những người có biểu hiện như bị cúm: hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy, sốt…
Khi có thai các bà mẹ không nên dùng các chất gây nghiện, các chất kích thích nhất là rượu, thuốc lá. Không nên tiếp xúc với nguồn chất độc hại khi hành nghề như chì, thủy ngân. Bởi thai nhi dễ bị ngộ độc các chất này và sẽ bị suy dinh dưỡng bào thai, não bé, chậm trí khôn.
Bà mẹ có thai đến ngày gần đẻ ( thai 8 – 9 tháng ) nên chủ động đến cơ sở y tế để tiêm hoặc uống vitamin K, nhằm hạn chế mất máu nhiều trong cuộc đẻ, mẹ sẽ mau lại sức và có sữa để cho con bú, đồng thời cũng phòng ngừa được xuất huyết não – màng não sớm cho trẻ sơ sinh. Sau đẻ các bà mẹ nên ăn uống đủ chất nhất là đủ dầu mỡ, canxi và nên cho con tiêm hoặc uống vitamin K để phòng xuất huyết não – màng não sau giai đoạn sơ sinh.
Trẻ sau đẻ có hiện tượng vàng da sinh lý nếu như vàng da nhẹ và chỉ 5 – 10 ngày là hết. Khi phát hiện trẻ có vàng da sớm sau đẻ 2 – 3 ngày và mức độ vàng da đậm, tăng nhanh, nước tiểu vàng, bỏ bú…nhất là với các bà mẹ có nhóm máu Rh(-) thì phải sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.
Thực hiện tốt lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, đề phòng các bệnh dịch nhất là các bệnh viêm màng não, viêm não, bởi đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật lớn nhất cho trẻ em.
Chủ động phòng tránh các tai nạn trong cuộc sống sinh hoạt của trẻ như chấn thương sọ não, tai nạn giao thông, ngạt nước…
Phòng chống các bệnh có thể gây ra bại não cho trẻ như suy dinh dưỡng nặng, sốt cao co giật, động kinh.
Thạc sĩ Dương Văn Tâm
Khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung Ương