Gia tăng người mắc bệnh tâm thần vì ...uống rượu
Không dễ cai khi nghiện rượu
Cuộc nhậu của 5 người bạn tại nhà ông Nguyễn Văn Ba ở thôn 10, xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu vào ngày 24-10 vừa qua chưa tàn thì 3 trong số 5 bạn nhậu đã mãi mãi rời xa cõi đời.
Ông Thắng, một trong hai người còn sống sót sau cuộc nhậu - kể lại: “Lúc mới “cưa” sang lít thứ 2 thì thấy ông Y Cu 49 tuổi, đột nhiên lăn ra bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng ông đã tử vong sau đó ít phút”.
Rượu gây ra cái chết cho 3 người sau đó được cơ quan chức năng ở Vũng Tàu xác nhận có nồng độ methanol vượt mức cho phép hàng trăm lần.
Nhưng theo ông Thắng thì lâu nay vẫn uống bình thường. “Ngày nào tụi tui không nhậu thì khó làm việc được, bởi không nhậu thì tay chân run lên, người như thiếu sinh lực”- ông Thắng chia sẻ.
38 tuổi, có một công việc ổn định ở một ngân hàng lớn tại TPHCM nhưng rồi sự nghiệp của anh H. cũng tiêu tan vì chứng nghiện rượu.
Sau một thời gian phải cai nghiện hội chứng này ở Khoa Nam của BV Tâm Thần TPHCM. Mới đây các bác sĩ ở Khoa Nam cho biết H. phải tiếp tục điều trị vì “tái nghiện”.
Trong vòng 6 tháng, ông Hoàng V. 54 tuổi ở Long An đã phải đi cai rượu ở BV Tâm Thần 3 lần. Mới đây ông V. buộc phải trở lại bệnh viện do tái nghiện nặng hơn. Theo các bác sĩ ông V. đã uống rượu cách đây 15 năm và lên cơn nghiện từ 2 năm nay.
Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho thấy ở Việt Nam có khoảng 820 cơ sở sản xuất rượu lớn nhỏ với sản lượng khoảng400 triệu lít/năm và hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.
Theo số liệu từ Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, tỷ lệ người điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% số bệnh nhân tâm thần.
Ảnh minh họa
Loạn thần vì rượu
“Tình trạng nghiện rượu ngày càng gia tăng, thậm chí một số bệnh nhân ngoài nghiện còn kèm theo loạn thần”- Bác sĩ Trần Trung Nghĩa- khoa Nam BV Tâm Thần TPHCM cho biết.
Theo Tổ chức y tế thế giới, rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm phụ nữ và 20% tai nạn giao thông và có 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia. Tuy nhiên bất chấp những cái chết do rượu gây ra và hàng loạt nạn nhân của rượu bị ngộ độc phải vào bệnh viện cấp cứu, gần như chẳng mấy dân nhậu quan tâm. |
Cách đây không lâu nơi đây tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn D. 50 tuổi ở quận 9, TPHCM nhập viện do nghiện rượu kèm rối loạn tâm thần. Ông D. có tiền sử 10 năm uống rượu. Tửu lượng mỗi ngày của ông D. từ 0,5-1 lít rượu trắng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, ông D. không ngủ được, đi tới lui liên tục sau đó tự cắn lưỡi. Khi được đưa đến BV Tâm thần, ông D. tiếp xúc được, biết tên tuổi mình nhưng không biết ngày tháng, không nhớ nhà ở đâu, không biết đang ở đâu và tỏ ra lo lắng.
Theo bác sĩ Nghĩa nhiều người nghiện rượu đều có triệu chứng này. Trong khi đó, ông D .ngoài nghiện kèm theo loạn thần, bởi nhiều ngày trước khi cắn lưỡi bệnh nhân cho hay “nghe tiếng nói bên tai yêu cầu tôi cắn lưỡi, hăm dọa sẽ giết hết gia đình tôi nếu không làm theo yêu cầu”.
Một tháng trước ông Phạm Văn H. 53 tuổi ở Bình Dương được các bác sĩ ở Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM phát hiện ra loạn thần do rượu khi trước đó ông này đã bỗng dưng đốt cháy trạm phát sóng của một đơn vị ở gần nhà. Ông H. nghiện rượu đã 10 năm và “không thể sống thiếu rượu”.
Lần gây án này được bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang- Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM khẳng định, ông H. bị ảo thanh xúi giục do loạn thần vì rượu gây ra.
Bác sĩ Quang cho biết, ngày càng nhiều bệnh tâm thần do lạm dụng rượu bia và gây ra các vụ án như giết người, hãm hiếp và cố ý gây thương tích.
Một số can phạm được giám định có tiền sử rối loạn tâm thần do rượu, đã được đi khám và điều trị nhiều lần nhưng không khỏi, một số khác thì gây án trong một lần quá chén dẫn đến “cơn loạn thần cấp”, mất khả năng điều khiển bản thân.
Theo bác sĩ Quang cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích trong máu, nếu không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa.
Trong một thời gian ngắn, quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể; làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não và khả năng điều khiển hành vi.
Gia Phú