Bệnh tim và thai sản

Cập nhật lúc 03:27 / 09.01.2013

Bệnh tim và thai sản

 

 

Quan điểm trước đây cho rằng, khi bạn bị bệnh tim thì không nên lấy chồng; nếu có lấy chồng thì không nên mang thai; nếu có thai thì không nên đẻ; nếu đẻ thì không nên cho con bú… Trong thực tế, quan điểm này không chính xác, vấn đề đặt ra là bản thân người bệnh phải có sự hiểu biết, có kế hoạch và chủ động trong việc sinh đẻ của mình. 

 

 

 

 

Những biến đổi của tim và mạch máu

Khi người phụ nữ có thai, sẽ xuất hiện các biến đổi của tim và mạch máu. Chúng  làm tăng công cơ tim và tăng gánh nặng cho sản phụ. Các biến đổi đó bao gồm

Tăng thể tích máu: Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, thể tích máu tuần hoàn sẽ tăng lên 40 đến 50% và duy trì ở mức này trong suốt quá trình mang thai.

Tăng cung lượng tim: Cung lượng tim sẽ tăng lên 30-40%, tương ứng với mức tăng thể tích máu.

Tăng nhịp tim: Thông thường, khi mang thai, nhịp tim sẽ tăng lên 10-15 nhịp/phút.

Hạ huyết áp: Ở một số người, huyết áp có thể giảm khoảng 10 mmHg trong quá trình mang thai.

Nguyên nhân là do biến đổi nội tiết tố và tăng lượng máu chạy thẳng đến tử cung. Phần lớn các trường hợp hạ huyết áp không gây triệu chứng và không cần điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi số đo huyết áp của sản phụ vào những lần khám thai định kỳ.

 

Bệnh tim và thai sản 1

Người bệnh tim mạch khi mang thai cần phải được theo dõi  thường xuyên

Những biến đổi trên là bình thường trong quá trình mang thai, đảm bảo thai nhi được cung cấp đầy đủ ôxy và chất dinh dưỡng. Chúng có thể gây một số triệu chứng như mệt mỏi (cảm thấy kiệt sức), khó thở, váng đầu. Các triệu chứng đó không có gì bất bình thường, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy đi khám bác sĩ.

Phụ nữ có bệnh tim cần lưu ý đặc biệt trước và trong khi mang thai. Một số bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của sản phụ. Ngoài ra, có những người mắc bệnh tim từ trước mà không biết, chỉ được phát hiện khi đã mang thai.

 

 

Phụ nữ có bệnh tim cần làm gì khi dự định mang thai

Phụ nữ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai, nếu có sẵn bệnh lý tim mạch.

Thầy thuốc chuyên khoa tim mạch sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, khám lâm sàng và yêu cầu bạn làm một số thăm dò cận lâm sàng cần thiết để đánh giá chức năng tim cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sỹ tim mạch sẽ cho bạn biết mang thai có an toàn hay không, có những nguy cơ gì tiềm ẩn trong quá trình mang thai, gồm cả nguy cơ cho thai nhi và cho sức khỏe lâu dài của bạn và đứa trẻ. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận về các thuốc cần dùng trước khi bạn mang thai.

Cần phải thông báo với bác sĩ mọi thuốc bạn đang sử dụng (gồm cả thuốc tim mạch lẫn những thuốc không được kê đơn mà bạn vẫn dùng hàng ngày). Bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết hoặc kê thuốc khác an toàn hơn.

Cần có sự chuẩn bị kĩ càng khi mang thai và đi khám bác sĩ tim mạch định kỳ trong quá trình mang thai. Phần lớn những phụ nữ có bệnh tim mạch đều có thể mang thai an toàn và đẻ con khỏe mạnh.

 

 

Những điểm cần lưu ý khi đã mang thai

Trong quá trình mang thai, bạn cần lưu ý những điểm sau: Tiếp tục chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch; tập thể dục đều đặn, theo lời khuyên của bác sỹ tim mạch; bỏ thuốc lá.

Bên cạnh việc khám thai định kỳ, bạn cần đều đặn đến khám bác sĩ tim mạch và tuân thủ những chỉ dẫn của thầy thuốc. Bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của bạn trong suốt quá trình mang thai, phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng. Việc nào đảm bảo bạn sẽ mang thai an toàn và được “mẹ tròn con vuông”.

Một số bệnh lý tim mạch đòi hỏi cả một ê-kip chăm sóc bệnh nhân, gồm bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê, và bác sỹ nhi. Tùy theo tình trạng bệnh của sản phụ, sẽ có những chế độ theo dõi đặc biệt khi sản phụ chuyển dạ và sinh con.

Theo: suckhoevadoisong.vn

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12307284