Cập nhật lúc 16:49 / 19.01.2013
Viêm thần kinh ngoại biên: Phải chữa tận gốc
Trước đây, anh Nguyễn Văn Hưng (phường Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) là một người rất ít khi bệnh vặt. Thế nhưng, vừa bước qua tuổi 50 anh bắt đầu mệt mỏi với chứng bệnh tê tay tê chân của mình.
Mỗi lần gặp bạn bè anh than: “Lúc đầu hai chân tôi có biểu hiện đau râm ran tuy không thật sự nhức mỏi. Nhưng càng lâu ngày đôi chân của tôi cứ tê buốt nhất là vào thời gian nửa đêm về sáng”. Công việc bận rộn không có thời gian đi BV nên anh thường điều trị bệnh tại nhà. “Mỗi khi đi mưa về hai chân tôi lạnh ngắt, phải lấy dầu gió xoa thật nóng mới mất cảm giác tê buốt”. Do trị bệnh đằng ngọn chứ chưa chữa tận gốc nên đôi chân của anh Hưng vẫn chưa có chiều hướng chuyển biến tốt hơn.
Sau khi anh Hưng đi khám bệnh, BS. Trần Lâm Cường (Phòng khám BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM) kết luận: “Đây là triệu chứng của bệnh viêm thần kinh ngoại biên - G61”. Theo BS. Cường, hệ thần kinh ngoại biên bao gồm tất cả các dây thần kinh không nằm trong não và tủy sống. Hệ thần kinh ngoại biên bị suy yếu sẽ gây rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não, da, cơ, mạch máu và cả nội tạng gây ra biến chứng đau râm ran và tê mỏi. Những triệu chứng này thường gây khó chịu đối với người mắc bệnh”. Không chỉ đau tê mỏi mà nhiều khi người bệnh có cảm giác như có kiến bò, mất cảm giác trong người. Nếu suy viêm ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân không có cảm giác gì, nhưng khi đã bị nặng kéo dài thời gian không chữa trị thì có triệu chứng mỏi cơ dai dẳng thường gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ trong một thời gian dài.
Nguyên nhân thường gặp nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường, có chỉ số đường huyết cao trên mức cho phép. Đó là chưa nói đến một số bệnh lý khác như người nhiễm HIV, thiếu vitamin, bệnh gan thận và cả suy giáp. Riêng trường hợp của anh Hưng sau lần khám thứ hai, BS. Nguyễn Đỗ Thứ (BV Nhân dân Gia Định) chẩn đoán là do tổn thương một dây thần kinh trong cơ thể và do bị chèn ép nên thần kinh ngoại biên bị viêm. Để xác định chính xác bệnh, các BS thường chỉ định bệnh nhân xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ vitamin B12, phân tích nước tiểu, đặc biệt là xét nghiệm chức năng tuyến giáp và điện cơ. Nếu điều trị đúng thì BS sẽ tìm ra được căn nguyên gây ra bệnh và sửa chữa tổn thương dây thần kinh kịp thời. Có như vậy mới giảm nhẹ được triệu chứng cho bệnh nhân.
ảnh minh họa
Kiên trì châm cứu
Do biến chứng tiểu đường và tuổi cao sức yếu nên bà Trần Thị Ngà (63 tuổi ngụ ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị nhức mỏi tay chân - một triệu chứng thường gặp của viêm dây thần kinh ngoại biên. Ngoài uống hai loại thuốc điều trị bệnh đường huyết, bà Hà còn được BS BV Đồng Nai chỉ định châm cứu điện trong 2 tuần. Sau khi đường huyết ổn định và dây thần kinh ngoại biên không bị chèn ép thì chứng nhức mỏi tê buốt hai chân của bà cũng giảm dần phải sau nửa năm điều trị căn bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên của bà mới dứt hẳn.
Theo khuyến cáo của các BS, cách phòng bệnh tốt nhất là ăn uống lành mạnh, giảm thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, tăng cường các loại rau xanh hoa trái, các thực phẩm giàu vitamin B12… Nhưng điều quan trọng nhất là phải điều trị kịp thời những chứng bệnh khác làm suy yếu dây thần kinh ngoại biên như đã nói ở trên. Bệnh này nếu kiên trì chữa trị bằng vật lý trị liệu, châm cứu cũng sẽ có chiều hướng tốt.
Phan Ngọc Quang