Bệnh giãn tĩnh mạch là gì?

Cập nhật lúc 18:37 / 04.02.2013

 Bệnh giãn tĩnh mạch là gì?

 

Giãn tĩnh mạch dưới da chi dưới là một bệnh tổn thương không hồi phục thành tĩnh mạch, gây phình tĩnh mạch không đều nhau, thiểu năng van tĩnh mạch, dẫn đến tình trạng máu tĩnh mạch chảy ngược và bệnh tiến triển ngày càng nặng.

Tĩnh mạch có những chức năng gì?

Tĩnh mạch là mạch máu dùng để đưa máu đen (máu các cơ quan đã sử dụng chứa nhiều khí CO2) từ ngoại biên trở về tim.

Khác với động mạch, tĩnh mạch có thành mỏng, không có cơ bao quanh, máu được đưa về tim nhờ các cơ của bắp thịt co bóp. Trong lòng của tĩnh mạch có các van khiến máu chỉ đi được một chiều từ ngoại biên (chân, tay… ) về tim mà không chảy ngược lại.

Bệnh giãn tĩnh mạch gây nên những hậu quả gì?

Khi các van tĩnh mạch ở chân hoạt động không tốt, thành tĩnh mạch bị suy yếu, sẽ làm cho máu bị ứ lại khiến tĩnh mạch bị giãn. Huyết tương trong máu thoát ra ngoài thành tĩnh mạch làm cho chân bị phù lên, da bị viêm, hoại tử.

Trong trường hợp nặng hơn, máu bị đông lại thành cục gây tắc mạch. Cục máu đông có thể di chuyển vào tĩnh mạch sâu đến phổi làm tắc mạch máu phổi gây nhồi máu phổi.

 Nguyên nhân nào gây ra bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới?

Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới có thể do các nguyên nhân:

·         Thành tĩnh mạch bị căng mạnh do tư thế đứng lâu, hay tĩnh mạch bị chèn ép bởi thai, bởi khối viêm nghẽn tĩnh mạch, nhiễm khuẩn tĩnh mạch, chấn thương đụng dập...

·         Thiểu năng van tĩnh mạch

·         Rối loạn chức năng của các tuyến nội tiết

·         Di truyền

 

hình minh họa

 

 

Triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

     Đau đau âm ỉ, cảm giác nặng chân, chèn ép ở vị trí bị giãn tắc. Triệu chứng tăng khi đứng, giảm khi nâng cao cẳng chân.

      Chân sưng phù.

      Da ngứa ngáy. Có khi bị viêm da, lở loét.

      Nổi gân xanh ngoằn ngoèo ở chân hoặc nổi gân tím như vết rạn nếu tĩnh mạch ở sát mặt da.

   Bệnh giãn tĩnh mạch gây ra những biến chứng gì?

Bệnh có thể gây ra các biến chứng sau:

Thiểu dưỡng chân bị giãn tĩnh mạch nông: dẫn tới viêm da, loét, nhiễm trùng, chảy máu tại ổ loét... làm mất khả năng lao động, thậm chí có khi phải cắt cụt chân.

Viêm nghẽn các tĩnh mạch sâu do hậu quả của loét thiểu dưỡng và nhiễm trùng ổ loét ở chân. Trường hợp bệnh nặng, tạo nên cục máu đông di chuyển lên gây tắc động mạch phổi, dẫn tới tử vong đột ngột.

  Bệnh giãn tĩnh mạch được điều trị như thế nào?

A. Sinh hoạt:

         Không nên ngồi lâu một chỗ, thỉnh thoảng phải đứng lên đi lại vận động trong vài phút.

           Khi nằm ngủ, gác chân lên cao cho máu về tim dễ.

        Tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội…

         Không nên để bị béo phì.

B. Các phương pháp điều trị hiện nay:

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất và nhằm tránh tái phát bệnh là phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn (phẫu thuật stripping). 

 

Sưu tầm

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12423967