Kiểm tra sức khỏe: Khi nào cần?
Nếu chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn rầu, không có cảm hứng cho “chuyện ấy”, hay thường xuyên đau đầu…thì có lẽ đã đến lúc cần chăm sóc đến sức khỏe của mình nhiều hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu báo động về sức khỏe kèm theo lời khuyên của các chuyên gia:
Buồn vô cớ
Theo tiến sỹ (TS) Ernest J.Bordini, nhà tâm lý học đến từ Mỹ thì sự buồn rầu, chán nản vô cớ mà chúng ta gặp phải có thể là do nguyên nhân sâu xa. “Nó có thể là do một sự mất mát nào đó và đôi khi, sự mất mát đó đơn giản chỉ là do quá bận rộn nên không thể đi uống cà phê với bạn bè hoặc do một sự thay đổi lớn, ví dụ như con bạn bước vào giảng đường đại học”, TS Bordini cho biết.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ thì phụ nữ có có khả năng bị trầm cảm nhiều hơn 70% so với nam giới. Chính vì thế, chúng ta nên đi khám để biết liệu tình trạng của mình có phải là do những vấn đề về y học (như trục trặc với tuyến giáp) hay không.
Trong trường hợp bị trầm cảm lâm sàng, bao gồm tình trạng buồn bã kéo dài vài tuần kèm theo các triệu chứng như thay đổi thói quen ăn ngủ, thường xuyên khóc lóc và mất hết ham muốn tình dục thì chúng ta cần đi khám để được kê thuốc điều trị.
Không còn ham muốn “chuyện ấy”
“Sự thay đổi và mất ham muốn tình dục ở phụ nữ có thể liên quan đến nhiều nhân tố”, TS Bordini cho biết. Ví dụ, bệnh thiếu máu, tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến giáp, sự thay đổi hoóc môn và những nguyên nhân về y học khác đều có thể gây ra tình trạng mất ham muốn tình dục ở phụ nữ. Ngoài ra, stress hay mệt mỏi và thiếu ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Đau các khớp
Bạn bị đau đầu gối sau một đêm khiêu vũ hay đau vai sau nhiều giờ ngồi trước máy tính? Đấy có thể là dấu hiệu của sự căng cơ đơn thuần nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, ví dụ như viêm xương khớp hoặc đau xơ cơ. Cả hai bệnh này xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn là nam giới.
“Để có thể tìm ra nguyên nhân thì chúng ta phải phát hiện ra nguồn gốc gây đau trước đã”, ông Howard Schubiner, bác sỹ y khoa đến từ Mỹ chia sẻ. “Nếu thực sự bạn bị đau ở khớp thì bác sỹ sẽ kiểm tra các rối loạn về khớp, ví dụ như viêm khớp hoặc chấn thương khớp. Nếu bạn bị đau nhiều hơn ở phần cơ thì đó có thể không phải là vấn đề về khớp”.
Theo bác sỹ Schubiner thì phần lớn các trường hợp đau cơ do bị kéo hoặc bị căng cơ đều sẽ dần hồi phục nhờ nghỉ ngơi hoặc nhờ các biện pháp đơn giản. “Bệnh đau xơ cơ thường gây ra tình trạng đau cơ mạn tính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đến khám bác sỹ để loại bỏ những nguyên nhân khác, ví dụ như những rối loạn”.
Mệt mỏi giữa ngày
Một bữa trưa nhiều carbonhydrate có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn buồn ngủ trong giờ nghỉ trưa. Nếu sau khi ngủ dậy mà sự mệt mỏi vẫn chưa biến mất thì đây có thể chính là một dấu hiệu của hội chứng mệt mỏi mạn tính – một hội chứng thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50. Theo bác sỹ Schubiner thì tình trạng thiếu máu, suy giảm hoạt động của tuyến giáp, trầm cảm, và thiếu ngủ đều có thể khiến bạn mệt mỏi. “Chỉ cần làm một vài xét nghiệm máu đơn giản là có thể loại trừ hai nguyên nhân đầu tiên và cố gắng ngủ đủ cũng sẽ giúp chúng ta giảm bớt tình trạng mệt mỏi vào giữa ngày”.
Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi vào giữa ngày còn có thể là do bạn bỏ bữa sáng (hoặc bữa trưa), hoặc là do chúng ta ăn quá nhiều đồ ngọt, hoặc là do chế độ ăn không cung cấp đủ lượng protein cần thiết. Hãy đi khám bác sỹ nếu tình trạng mệt mỏi này kéo dài trong vòng 6 tháng hay lâu hơn và không biến mất sau khi được nghỉ ngơi đầy đủ.
Đau đầu gối
Ngoài ra, theo bác sỹ Anna M.Lasak, phó giáo sư về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đến từ Mỹ thì phụ nữ cũng dễ mắc một số bệnh như viêm gân và đứt dây chằng chéo trước gối. Để phòng tránh tổn thương đầu gối, bà Lasak khuyến cáo chúng ta nên đi giày có lớp đệm hỗ trợ khi chạy, tập thể dục đều đặn và nên chạy trên những bề mặt có cỏ hoặc cát thay vì những bề mặt cứng.
Đau đầu
“Đau đầu do căng thẳng khá phổ biến. Tuy nhiên, chứng đau nửa đầu chính là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta cần phải đi khám bác sỹ nhiều nhất”, bác sỹ Brian M. Grosberg, giám đốc Bệnh viện Đau đầu Montefiore tại Bronx (Mỹ) cho biết. “Số phụ nữ bị mắc chứng đau nửa đầu nhiều hơn gấp 3 lần so với nam giới”. Đau nửa đầu khác với đau đầu do căng thẳng ở một số điểm, ví dụ như đau nửa đầu chỉ ảnh hưởng tới một bên của khuôn mặt trong khi đau đầu do căng thẳng sẽ tác động tới toàn bộ vùng đầu. Chứng đau nửa đầu còn khiến người bệnh nhạy cảm hơn với ánh sáng và/hoặc âm thanh, có thể buồn nôn và ói mửa trong khi chứng đau đầu do căng thẳng thì không có những biểu hiện này.
Những dấu hiệu nguy hiểm khác bao gồm đau đớn đột ngột – nghĩa là đau đầu dữ dội cùng lúc, hay đau đầu xảy ra ở một số vị trí nhất định, đau đầu gây ra do một số hoạt động nhất định hoặc sự gia tăng tình trạng đau đầu theo thời gian. Bạn hãy tới khám bác sĩ ngay nếu gặp phải các triệu chứng trên.
Thở khò khè khi leo cầu thang
Bạn chủ định làm một bài tập thể dục cho tim mạch bằng cách leo thang bộ lên phòng làm việc. Tuy nhiên, khi lên đến nơi, bạn thở không ra hơi và khò khè hết sức. Liệu nguyên nhân chỉ đơn giản là do thể lực bạn không tốt hay là do một điều gì đó nghiêm trọng hơn, ví dụ như hen suyễn?
Riêng đối với phụ nữ thì chu kỳ kinh nguyệt có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn có biểu hiện trên. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine đã cho thấy tình trạng thở khò khè và ho xuất hiện nhiều hơn trong ngày thứ 10 đến 22 của chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới và điều này cho thấy mối liên kết tiềm tàng giữa sự thay đổi nội tiết tố và các triệu chứng về đường hô hấp.
“Thở khò khè là một triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị các loại bệnh về hen suyễn”, bác sỹ David Nelson, chuyên khoa về hô hấp đến từ Mỹ chia sẻ. Với những bệnh nhân hen suyễn thì tình trạng thở khò khè có thể xuất hiện sau khi tập thể dục hoặc do dị ứng. “Thở khò khè cũng có thể tạm thời xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu nó kéo dài thì bạn cần phải đi khám”, bác sỹ Nelson chia sẻ.
Cảm thấy khó chịu, bất an
Hãy đi khám nếu những triệu chứng trên kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, hoặc nếu bạn có những yếu tố nguy cơ sau: bạn đang mãn kinh, có tiền sử gia đình, cholesterol cao hoặc bị béo phì. “Biết mình đang gặp phải những yếu tố nguy cơ gì và chủ động xử lý là điều mà chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ”, bác sỹ David Frid, chuyên gia về tim mạch tại bệnh viện Cleveland(Mỹ) chia sẻ.