Nhức đầu chóng mặt – Triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não

Cập nhật lúc 00:46 / 28.03.2013

Nhức đầu chóng mặt–Triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não

 

Thiểu năng tuần hoàn não là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc. Nguyên nhân chính là xơ vữa các động mạch nuôi não. Dấu hiệu sớm mà bệnh nhân thường nhận thấy ban đầu là cảm giác mơ hồ rằng mình có thay đổi từ thể chất đến tinh thần, người trông có vẻ già hơn, dáng đi chậm chạp, kém hoạt bát, tính tình thay đổi dần, những điều thích thú quan tâm trước đây, nay thấy nhạt nhẽo, hay nghiền ngẫm sự đời, ưa nơi yên tĩnh.

 Khi bệnh nặng lên sẽ có các biểu hiện sau:

 

 

Nhức đầu: Là triệu chứng hay gặp (chiếm 90%) đồng thời cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Nhức đầu lan tỏa khắp đầu, có cảm giác căng nặng trong đầu, nhất là mỗi khi phải suy nghĩ nhiều. Người bệnh thường có thói quen xoa trán, vuốt hoặc gãi đầu, có người bóp trán, đấm nhẹ vào trán.

 

 

http://www.suckhoeviet.com/uploads/news/chongmat1.JPG

 

 

                Ảnh minh họa

 

 

Chóng mặt (gặp 87% trường hợp) hoặc có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, bập bềnh như say sóng. Có người cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi chuyển tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột. Điển hình là cơn chóng mặt, thấy mọi vật như chao đảo quay chung quanh mình. Hiện tượng này xảy ra mỗi khi thay đổi tư thế làm cho bệnh nhân phải nằm nhắm mắt nằm im, hễ cử động là chóng mặt, buồn nôn. Các cơn chóng mặt kiểu này có thể chỉ ngắn vài phút, có khi dài đến vài ngày.

 

 

Dị cảm: Là những cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự cảm thấy. Ví dụ như cảm giác tê tê, bì bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò. Có bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau dọc các xương sườn, đau ở cổ theo hai đường ở phía gáy, cảm giác lạnh ở dọc xương sống. Có cảm giác như có tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ban ngày lẫn ban đêm, có khi ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe người bệnh.

 

 

Rối loạn về giấc ngủ: Rất hay gặp và có đặc điểm là dai dẳng, khó chịu, khó chữa. Biểu hiện rất đa dạng; một số người biểu hiện chính là mất ngủ, ở người khác lại là rối loạn nhịp ngủ, lúc tối ngủ được, nửa đêm trằn trọc không ngủ, gần sáng lại ngủ. Đêm không ngủ được, ngày lại ngủ gà ngủ gật.

 

 

Rối loạn về sự chú ý: Bệnh nhân rất khó truyền sự chú ý từ vật này sang vật khác. Dần dần họ bị suy nhược cả cơ thể lẫn tinh thần. Những kích thích từ ngoài trước đây thu nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng thì nay chậm chạp và khó khăn, đòi hỏi một sự tập trung chú ý lớn. Bệnh nhân trở nên đãng trí, đang nghĩ chuyện này lại nhảy sang chuyện kia; đang nói về vấn đề này lại nhảy sang vấn đề khác một cách bất ngờ. Khả năng tập trung tư tưởng rất kém.

 

 

Rối loạn về cảm xúc: Trong người luôn cảm thấy bồn chồn, không hoàn toàn làm chủ được mình với những lý do rất vụn vặt chẳng đâu vào đâu, bệnh nhân cũng phản ứng mạnh mẽ. Bản thân bệnh nhân cũng cảm thấy phản ứng như vậy là không đúng nhưng không kìm chế được, dần dần trở thành người trái tính, trái nết. Ngoài ra, còn hay mủi lòng, dễ tủi thân, than vãn, ca cẩm hết việc này đến việc khác.

 

 

Thay đổi nhân cách: Ở những người trước kia nông nổi, nóng tính nay trở nên hay gây gổ, sinh sự. Người trước kia hiền lành an phận nay trở thành đa sầu đa cảm, tự ti… Trước kia thận trọng đúng mức, nay trở nên tủn mủn, đa nghi, trước kia căn cơ, tiết kiệm, nay trở nên hà tiện, bủn xỉn, chi li.

 

Trên đây là một số biểu hiện mà bệnh nhân và người thân có thể nhận biết được. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đề phòng thiểu năng tuần hoàn não là khám sức khỏe định kỳ để có hướng dự phòng và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nhũn não.

Người bị thiểu năng tuần hoàn não nên làm gì?

Trong đợt cấp:

 

 

Chế độ vận động: Bệnh nhân phải nằm yên tĩnh tại giường, gối đầu thấp. Hạn chế vận động cột sống cổ.

 

 

Dùng các loại thuốc: chống viêm (vô khuẩn); giảm đau; giãn mạch hoạt huyết, điều hòa rối loạn tuần hoàn não; tăng bền vững thành mạch; trấn tĩnh thần kinh, an thần.
Tâm lý giáo dục liệu pháp: giải thích cho người bệnh hiểu rõ về bệnh, tránh lo âu quá mức và tự giác hợp tác với thầy thuốc thực hiện các yêu cầu điều trị.

 

 

Sau đợt cấp:

Người bệnh nên thực hiện thể dục liệu pháp cột sống cổ (có hướng dẫn của thầy thuốc vật lý trị liệu), tránh vận động đột ngột cột sống cổ; chế độ và phong cách sinh hoạt thích hợp với từng độ tuổi của người bệnh; chế độ lao động nghề nghiệp phù hợp; chế độ ăn uống của người cao tuổi hợp lý chống xơ vữa động mạch (mỡ máu tăng cao) theo hướng dẫn của chuyên khoa dinh dưỡng; tránh các chấn động thần kinh (stress) trong đời sống gia đình và xã hội.

 

 

Về thuốc: Dùng thuốc chống rối loạn lipid máu trên cơ sở kết quả xét nghiệm máu. Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu để đề phòng tắc mạch não do cục huyết khối gây tắc mạch máu não và tái phát bằng aspirin pH8, dipyridamol… theo chỉ định của thầy thuốc. Khi sử dụng các thuốc này cần chú ý: với người bệnh có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa (viêm loét dạ dày – hành tá tràng, chảy máu dạ dày…) và người có thể địa chảy máu.

 

BS. Nguyễn Khắc Hiền, Sức Khỏe & Đời Sống

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12277258