Chóng mặt là một cảm giác chủ quan, khi đó bệnh nhân cảm thấy mình chuyển động trong không gian hoặc các vật chuyển động xung quanh mình. Đây là triệu chứng khá thường gặp trong cuộc sống và trong lâm sàng, nhiều khi ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh cũng như gia đình họ.
Cấu tạo giải phẫu dây thần kinh tiền đình. |
Chóng mặt do nguyên nhân tiền đình
Chóng mặt chỉ là một trong nhiều triệu chứng của tổn thương cơ quan tiền đình (chóng mặt, rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu (Nystagmus - có tác giả gọi là lay tròng mắt), rối loạn thần kinh thực vật như: nôn, buồn nôn, chân tay lạnh và tê, vã mồ hôi, thay đổi mạch, huyết áp). Rối loạn tiền đình thường do nhiều nguyên nhân gây nên, dựa vào thời gian cơn chóng mặt người ta có thể chẩn đoán một số nguyên nhân như: kéo dài không quá 1 phút: chóng mặt tư thế lành tính, kéo dài vài phút: thiếu máu động mạch đốt sống thân nền thoảng qua, kéo dài vài giờ: bệnh Meniere, kéo dài vài ngày: tổn thương thần kinh tiền đình hay tổn thương não. Người ta phân biệt tổn thương tiền đình trung ương hay ngoại biên dựa vào triệu chứng chóng mặt và các triệu chứng khác (xem bảng).
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Là chóng mặt ngoại vi (có hệ thống) thường gặp, chiếm tới 25% các trường hợp chóng mặt, hay gặp ở nữ, tuổi trên 40. Nguyên nhân là do sự di chuyển của các thạch nhĩ trong lòng ống bán khuyên của cơ quan tiền đình gây nên chóng mặt khi thay đổi tư thế của đầu.
Biểu hiện lâm sàng bằng các cơn chóng mặt ngắn khi thay đổi tư thế của đầu: đang nằm, ngồi dậy hoặc khi nằm và xoay người, cúi người hoặc xoay đầu. Triệu chứng thường nặng về buổi sáng và giảm dần trong ngày. Có thể có rung giật nhãn cầu, thường không có ù tai và giảm thính lực.
Bệnh Meniere
Bệnh xuất hiện do tình trạng ứ nội bạch dịch trong các vòng bán khuyên, thường gặp ở tuổi trưởng thành, cả nam và nữ. Biểu hiện lâm sàng bằng các cơn chóng mặt, nặng tai, ù tai, giảm thính lực một bên tai. Thường kèm theo nôn, buồn nôn, tiêu chảy kéo dài khoảng vài giờ. Sau khi lui bệnh, thính lực có thể trở về bình thường, nếu tái phát thính lực bên tổn thương sẽ giảm dần. Bệnh thường tái phát sau một thời gian, một số trường hợp sẽ bị cả hai bên tai.
Theo sức khỏe đời sống