Vảy nến da đầu

Cập nhật lúc 18:21 / 23.03.2012

Đi khám ở phòng khám chuyên khoa da liễu, chị P.T.A (Hải Phòng) mới biết rằng, hiện tượng đầu có nhiều gầu khiến chị khổ sở bấy lâu nay là do bệnh vảy nến gây ra.

Chị A. cho biết, từ khi phát hiện đầu mình có nhiều gầu, chị rất mặc cảm khi giao tiếp. Chị đã tìm đủ mọi cách để cải thiện tình hình, từ việc dùng dầu gội đầu Nizoral, gội đầu bằng nước bồ kết và cỏ mần trầu, đến việc bôi một số kem dưỡng da, uống các loại thuốc bổ..., nhưng gầu không hết mà lại mỗi ngày một nhiều.

Thời gian gần đây, lớp gầu trắng lan ra cả chân tóc khiến chị không thể giấu diếm chứng bệnh của mình. Lúc này, theo lời khuyên của một người bạn, chị mới đến bệnh viện khám và bất ngờ khi nghe bác sĩ thông báo, chị bị bệnh vảy nến.

TS Nguyễn Thị Lai, Phòng khám Da liễu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, nhắc đến bệnh vảy nến, nhiều người biết rằng, bệnh có tổn thương da là các sẩn nổi cao hơn mặt da, trên có nhiều vảy trắng mỏng dễ bong, thường xuất hiện ở các vùng hay tì đè như khuỷu tay, đầu gối, mông...

Tuy nhiên, ít người biết rằng, ở một số trường hợp, da đầu lại là vùng da bị tổn thương sớm nhất. Nhiều người bệnh thấy xuất hiện vảy trắng trên đầu lại lầm tưởng mình có nhiều gầu, nên không để ý để đi khám. Vì thế, bệnh ngày càng trầm trọng hơn và tổn thương lan ra cả rìa chân tóc (nhưng không gây rụng tóc), xuống mặt, thân mình và tay chân.

Ở một số trường hợp, khi bệnh tiến triển kéo dài hoặc được điều trị không đúng thuốc thì có thể gây đỏ da toàn thân, sốt và mệt mỏi. Ngoài tổn thương da, bệnh nhân còn có thể bị đau các khớp xương hoặc tổn thương cả móng tay, móng chân, có thể ngứa ít hoặc không ngứa.

Sang chấn tinh thần, lo lắng thái quá, nhiễm trùng mạn tính hoặc cấp tính, một số thức ăn như rượu, thịt bò… sẽ làm bệnh tái phát và nặng lên.

Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết rõ, vì vậy việc điều trị bệnh một cách triệt để còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng và tuổi thọ, nhưng gây trở ngại lớn trong giao tiếp nếu tổn thương da phát ở vùng da hở như mặt, tay. Bệnh không lây lan cho người khác qua các tiếp xúc trực tiếp.

Hiện có nhiều thuốc điều trị bệnh vảy nến. Người bệnh không nên quá lo lắng mà nghe theo mách bảo của những người không có chuyên môn rồi tự ý mua thuốc về dùng.

Đã có một số người bệnh tự ý tiêm K-Cort hoặc uống Prednisolon thì thấy bệnh đỡ đi, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng tái phát với mức độ nặng hơn, thậm chí có người bị đỏ da toàn thân. Tốt nhất, nên đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.


Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12346188