Phòng và điều trị dị ứng thời tiết

Cập nhật lúc 18:06 / 18.09.2013

 Dị ứng thời tiết thường xảy ra vào mùa hè và mùa đông do Việt Nam là một đất nước mang khí hậu nhiệt đới gió mùa, không khí nóng và ẩm. Các biểu hiện của dị ứng thời tiết thường chỉ điều trị tạm thời và hầu như không thể dứt điểm. Tuy nhiên, có những tác động để chúng ta làm giảm nguy cơ hoặc giúp tình trạng bệnh không bị nặng thêm.

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi gặp các tác động từ bên ngoài. Khi bị dị ứng thời tiết, nổi mẩn ngứa, bệnh nhân cần đi khám đúng chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và có phương pháp điều trị phù hợp. Hạn chế gãi, tránh da bị xước gây nhiễm trùng, viêm da. Mặc quần áo thật ấm, nhưng không quá chật, tránh những chất liệu dễ kích ứng da. Vệ sinh sạch sẽ và bảo vệ môi trường, hạn chế những tác nhân gây dị ứng.

Ảnh minh họa

Phòng tránh dị ứng thời tiết

Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, chàm, không chà xát mạnh quanh vết chàm, dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn thì sớm đi khám để được thầy thuốc hướng dẫn điều trị. Hạn chế tối đa việc tự ý mua thuốc về điều trị hay không tuân thủ chỉ định hoặc hướng dẫn của thầy thuốc, dược sĩ. Đối với bệnh chàm thể tạng ở trẻ sơ sinh, tổn thương thường xuất hiện ở 2 má, cằm, mũi với triệu chứng là các mụn nước chi chít tập trung trên một vùng da đỏ, phù nề, gây viêm ngứa. Nếu không được điều trị đúng thuốc, bệnh không khỏi và sẽ trở thành mạn tính. Triệu chứng ngứa tăng lên, da bị viêm, trẻ quấy khóc về đêm…

Những người bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng cần chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể, khi ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh gió lùa.

Trong các thời điểm cuối mùa, chuyển mùa như thời tiết bắt đầu nóng hoặc lạnh trở lại, các bệnh da liễu thường tăng mạnh. Ví dụ thời điểm cuối xuân sang hạ, thời điểm này cây cối đâm chồi, nở hoa khiến các loại côn trùng, vi sinh và nấm mốc gây bệnh phát triển mạnh… Bên cạnh đó, thời tiết nóng dần lên khiến cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng giảm tạo điều kiện cho các bệnh phát triển. Vì vậy, người dân cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh trong thời điểm này để tránh mắc bệnh.

Vào mùa lạnh, nhiều người cứ gió lạnh hay ngồi quạt là bị nổi ban mày đay. Ở mức độ nhẹ, mày đay trên da xuất hiện một vài chấm nốt, chỉ trong một thời gian ngắn từ một đến vài giờ là mất. Nặng hơn là các đám nhỏ, lớn với hình thù tròn, bầu dục, hình bản đồ… rất ngứa, có thể làm thâm da. Có trường hợp các bóng nước hoặc loét bong da làm tổn thương niêm mạc mắt, mũi, miệng, hậu môn… gây nhiễm trùng da. Thậm chí gây phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp, có thể dẫn đến tử vong.

Với việc nổi ban mày đay cần lưu ý là khó phòng tránh bằng cách dùng thuốc. Do vậy, những người hay bị nổi mày đay khi thời tiết thay đổi cần tránh lạnh, tránh gió, không tắm mưa, mặc quần áo ấm. Cũng không nên mặc quần áo quá chật gây cọ xát da gây nổi mày đay tại chỗ.

Xử trí và điều trị dị ứng thời tiết hiệu quả

Thay đổi thời tiết khiến da của bạn giãn nở thất thường gây kích ứng. Trời lạnh khiến da quá khô dễ bị ngứa, càng gãi thì da càng bị kích ứng và sưng tấy. Đối với người da mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ, nếu bạn hay tắm nước quá nóng vào mùa đông cả vào mùa hè đều khiến da bị dị ứng. Lời khuyên của các chuyên gia là khi bạn bị ngứa và được ủ ấm trong chăn, phần ngứa của bạn sẽ giảm vì cơ thể nóng lên và ra mồ hôi nên da của bạn bớt khô.

Để chữa bệnh nhanh, theo các bác sĩ cần phải xác định nguyên nhân để tránh tiếp xúc với những nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp dị ứng da thời tiết do da quá khô, TS Lượng khuyên: Chỉ cần lựa chọn kẽm dưỡng ẩm phù hợp, tránh các thành phần dễ gây kích ứng da, tẩy rửa mạnh, bôi kem ngay từ khi mới đầu vào mùa lạnh là có thể phòng được bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tắm nước quá nóng, tăng cường uống nước, ăn hoa quả, ít sử dụng chất kích thích.

Trong trường hợp bụi nhà là thủ phạm bạn cần thường xuyên lau rửa giường, thay ga đệm hằng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà… Bên cạnh đó, các loại thức ăn có thể làm tăng nặng bệnh cần phải được loại trừ khỏi chế độ ăn của người bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ em cần lưu ý có các thức ăn thay thế để tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng.

Khi bị dị ứng cần đến ngay bác sĩ để xác định nguyên nhân để chữa trị. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý xem dự báo thời tiết để giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình khi thời tiết thay đổi đột ngột. Thời tiết mùa này rất nhiều người bị dị ứng do hanh khô nên bạn có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng thường xuyên, ra ngoài cần bịt khẩu trang, mặc áo dài tay để tránh gió, lạnh.

Theo Y Dược 365

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12247195