Đề phòng bệnh dại khi bị chó mèo cắn

Cập nhật lúc 19:49 / 27.09.2013

 Vì sao bị bệnh dại?

Bệnh dại do virut dại thuộc họ Rahabdovirus gây ra. Đây là loại bệnh từ động vật lây sang cho người. Ngoài chó, mèo, chuột, dơi còn có một số loài gặm nhấm và động vật khác có thể truyền bệnh dại cho người. Bệnh dại hay gặp nhất là do chó dại cắn. Ở nước ta, tình trạng nuôi chó thả rông, không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng quy cách còn gặp khá nhiều, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đầu năm đến nay, số người bị mắc bệnh dại do chó dại cắn khá nhiều. Bản chất của bệnh dại là gây viêm não cấp tính.

 

Ảnh minh họa

Bệnh dại xuất hiện là do virut dại từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người. Chó trưởng thành mắc bệnh dại hay chó con mang mầm bệnh dại, khi cắn hoặc liếm vào vết thương của người (da xây xát) hoặc da tiếp xúc trực tiếp với virut dại khi làm thịt chó. Lúc này, virut dại chui qua da, niêm mạc (bình thường, virut dại không qua da và niêm mạc nhưng khi da và niêm mạc bị tổn thương, ẩm ướt thì chúng mới có điều kiện xâm nhập) rồi đi vào máu, đến các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là tổ chức thần kinh ngoại biên, sau đó đi đến não (thần kinh trung ương). Tại đây, virut dại theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, tản ra khắp hệ thống thần kinh và gây tổn thương tổ chức não, gây viêm não cấp, thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt.

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dại rất khác nhau tùy theo vết cắn và độc lực của virut, có thể từ 10 ngày đến 1 năm (trung bình từ 20 - 60 ngày). Nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương, độc lực của virut dại mạnh thì thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn các nơi khác. Trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì có thể có các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tính tình, đau ở nơi vết cắn. Thời kỳ toàn phát của bệnh, thông thường có 2 thể bệnh là thể hung dữ và thể liệt.

Thể hung dữ: Biểu hiện chủ yếu là sự kích thích tâm thần như hung dữ, điên khùng, hoảng loạn, đập phá và nhanh chóng đi đến hôn mê rồi tử vong. Thể hung dữ còn có thể chỉ bị kích thích vận động là chủ yếu như co cứng, run rẩy, giật, co thắt họng, khí quản, đồng thời người bệnh sợ nước, sợ gió. Những lúc này, bệnh nhân khát mà không dám uống, chỉ cần nghe thấy tiếng nước chảy róc rách cũng đã lên cơn co thắt thanh, khí quản, họng, rất đau đớn và có thể bị nghẹt thở. Các triệu chứng kích thích sẽ tăng lên khi có các tác động mạnh như gió thổi, mùi vị, ánh sáng chói chang. Người bệnh luôn luôn trong trạng thái sợ sệt, hoảng hốt, lo lắng, mắt đỏ ngầu, sáng long lanh. Bệnh nhân rất thính, chỉ cần có tiếng động nhẹ hay ai đó nói gì đều có thể nhận biết và người bệnh lại lên cơn tiếp. Ngoài ra, người bệnh có sốt cao và tăng tiết đường hô hấp trên cho nên rất nhiều đờm, dãi. Dần dần, người bệnh bị rối loạn tim mạch, hô hấp và xuất hiện ảo giác. Bệnh tiến triển càng ngày càng xấu đi và có thể tử vong trong vòng từ 3 - 5 ngày.

Với thể liệt, chiếm tỷ lệ thấp hơn. Người bệnh ít gặp triệu chứng sợ nước, gió. Lúc đầu đau cột sống thắt lưng, sau đó liệt cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) rồi liệt chi trên. Khi tổn thương lan đến hành não thì bắt đầu xuất hiện liệt thần kinh sọ. Bệnh nhân sẽ tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn.

Cần lưu ý rằng khi bệnh dại đã lên cơn thì vô phương cứu chữa, 100% bệnh nhân tử vong. Cho đến nay, chưa có một loại thuốc nào (cả Tây y lẫn Đông y) dùng để điều trị bệnh dại khi đã lên cơn. Tuy vậy, cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp bệnh hoang tưởng. Một thời gian sau khi bị chó cắn (con chó này không mắc bệnh dại), người bị chó cắn vẫn lên cơn dại như bệnh dại nhưng thực chất không phải bệnh dại.

Khi chó cắn nghi dại, chỉ có biện pháp để cứu sống bệnh nhân là tiêm huyết thanh kháng dại và vaccin dại kịp thời. Trước hết, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn, cồn iốt hoặc bêtadin để phòng nhiễm khuẩn vết thương, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều) và tiêm huyết thanh kháng dại, vaccin dại và huyết thanh chống uốn ván (đề phòng bệnh uốn ván).

Vậy khi nào thì tiêm vaccin phòng dại? Chó cắn hoặc liếm vào vết thương (ngay cả chó con cắn, liếm) hoặc chó cắn vào vùng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ...); Chó cắn xong chạy mất hoặc chó bị đánh chết, chó đang ốm thì phải tiêm ngay huyết thanh chống virut dại và tiêm cả vaccin dại. Nếu sau khi chó cắn mà con chó vẫn bình thường, cần nhốt chó để theo dõi chó (phải chăm sóc chó cẩn thận không để chó đói chết). Sau 10 ngày, nếu chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vaccin dại. Nhưng nếu sau 10 ngày mà con chó đó bị chết thì phải tiêm vaccin dại đủ liều. Vì vậy, những người bị chó cắn nghi dại cần đến các trung tâm y tế dự phòng để được hướng dẫn tiêm huyết thanh kháng dại, vaccin phòng dại và vaccin phòng chống bệnh uốn ván đúng quy định.

BS. Việt Bắc Theo suckhoedoisong

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12247186