Chữa liệt mặt bằng phẫu thuật dây thần kinh số 7

Cập nhật lúc 17:40 / 04.11.2013

Bằng vi phẫu, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, dùng dây thần kinh ở nơi khác ghép lên mặt để chữa cho những người liệt mặt vì hỏng dây thần kinh số 7.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, liệt mặt không đe dọa mạng sống nhưng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động thường ngày như nhai khó bên liệt, ăn uống bị đổ ra ngoài, mắt không nhắm được, dễ gây các bệnh về mắt và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ.

Ghép dây thần kinh trên bệnh nhân đa chấn thương

Nguyễn Văn M. ở Hoài Đức, Hà Nội bị tai nạn lao động do mảnh kính cắt đứt ngang qua nửa mặt phải. Sau khi được cấp cứu, M. trở về nhà với nửa khuôn mặt liệt vận động và góc hàm càng ngày càng sưng to. Người nhà chuyển M. đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng chỗ sưng vỡ chảy tràn máu và mủ.

Nguyễn Minh P. ở Thường Tín, Hà Nội được đưa đến Bệnh viện Việt  Đức cấp cứu với ba nhát chém sâu vào mặt bên trái. Toàn bộ dây thần kinh trên mặt đứt rời, trong đó có dây thần kinh số 7 (điều khiển toàn bộ sự cử động của gương mặt).
 

Phẫu thuật nối dây thần kinh mặt cho bệnh nhân.

Cả hai bệnh nhân đều được chuyển cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch vì mất quá nhiều máu và suy hô hấp. Thách thức lớn nhất cho các bác sĩ lúc này là ngoài việc khâu hoặc thắt các nhánh mạch để cầm máu,  họ phải tìm thấy đủ để khâu nối các nhánh thần kinh mặt nhỏ xíu trong đám máu tụ và da thịt dập nát còn lẫn cả đá sỏi hay mảnh kính vỡ. Đây là công việc rất khó khăn và tỉ mỉ bởi các tổn thương lớn, lại đi vào những vùng hiểm trên mặt, các bệnh nhân đa chấn thương nặng (như ở sọ não, ngực, bụng) nên càng nguy kịch. “Nếu không nối được dây thần kinh số 7 thì dù có thể cứu sống, khuôn mặt bệnh nhân cũng sẽ bị liệt và méo mặt suốt đời”, thạc sĩ Hà cho biết.

Tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 80%

Theo thạc sĩ Hà, không chỉ những người bị tai nạn đứt dây thần kinh số 7 mới liệt mặt. Tình trạng liệt mặt do liệt dây thần kinh 7 ngoại biên tương đối phổ biến, chiếm 3% bệnh thần kinh và khoảng 23/100.000 người mỗi năm ở mọi lựa tuổi. Nguyên nhân thường do lạnh, nhiễm trùng, chấn thương, khối u, bệnh ở não hoặc các rối loạn trong xương... Trước đây, khi chưa có kỹ thuật vi phẫu, bác sĩ thường chữa bằng nội khoa, châm cứu, bấm huyệt... nhưng có rất nhiều trường hợp không khỏi và bệnh nhân phải sống khổ sở như vậy suốt cuộc đời.

Kỹ thuật vi phẫu không chỉ nối được cho những bệnh nhân bị đứt dây thần kinh số 7 trong trường hợp cấp cứu mà cho cả người mắc bệnh đã lâu. Các sĩ sử dụng một loại chỉ rất nhỏ chỉ bằng 1/5 sợi tóc để khâu nối các dây thần kinh lại với nhau. Mỗi ca phẫu thuật như vậy thường kéo dài 4 - 5 giờ, chi phí tùy thuộc vào mức độ tổn thương.

Đối với người bị liệt khoảng một năm, khi các bản vận động của sợi thần kinh trên mặt chưa bị thoái hóa, các bác sĩ lấy dây thần kinh số 12 ở lưỡi bệnh nhân, chuyển lên thành dây thần kinh số 7 ở mặt. Còn khi đã bị liệt 2 - 3 năm, các bản vận động đã bị thoái hóa, họ sẽ phải tìm các cơ lân cận vùng đầu mặt (cơ cắn hàm và cơ thái dương), chuyển vào cơ bám da mặt phần bị liệt, tạo hoạt động của khuôn mặt. Trường hợp bệnh nhân đến sớm, tỷ lệ thành công có thể lên đến 90% - 95%, còn với các bệnh nhân đến muộn, tỷ lệ thành công cũng có thể đạt 80%.

Sau khi ghép nối, bệnh nhân sẽ phải tập phục hồi chức năng hằng ngày trong vòng 3 - 6 tháng, các nhánh thần kinh này sẽ phục hồi và họ có một khuôn mặt bình thường.
Hoàng Anh- ST


Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12276873