Tại Việt Nam hiện nay, thoát vị đĩa đệm có thể nói là một trong những bệnh lý về cột sống phổ biến và khó chữa hàng đầu. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? Ai dễ mắc thoát vị đĩa đệm? Mặc dù tỷ lệ người mắc bệnh rất nhiều nhưng không phải ai cũng có những hiểu biết nhất định về bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này.
Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?
Chúng ta đều biết, đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt sống, có cấu trúc dạng thớ sợi xếp theo vòng đồng tâm khá chắc chắn. Bên trong có chứa nhân keo dạng gelatin. Đĩa đệm bao gồm các thành phần: Nhân keo, bao xơ và tấm sụn tận cùng.
Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? Thoát vị đĩa đệm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát khỏi vị trí bên trong đốt sống. Điều này làm chèn ép lên các rễ thần kinh, tủy sống và gây đau. Nói theo cách khác, đây là tình trạng đĩa đệm bị lồi ra ngoài khỏi vị trí giữa các đốt sống.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của thoát vị đĩa đệm chính là những cơn đau. Đi kèm với đó là cảm giác kim châm, kiến bò, tê cóng ở từng vùng tương ứng với mỗi vị trí bị thoát vị. Những cơn đau thường tái đi tái lại nhiều lần, mỗi đợt kéo dài từ 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, cơn đau trở nên thường xuyên và dai dẳng hơn. Những triệu chứng thoát vị đĩa đệm đặc trưng bao gồm:
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Cơn đau bắt đầu từ vùng cổ vai gáy, lan xuống cánh tay, bàn tay và tận ngón tay. Tất nhiên bạn sẽ bị đau tê, mất cảm giác, yếu cơ.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Những cơn đau từ vùng ngang thắt lưng, lan xuống mông và chân, nếu để lâu không điều trị có thể khiến người bệnh bị liệt. Đau dây thần kinh liên sườn. Giảm khả năng cử động, đặc biệt là vùng thắt lưng, người bệnh không thể cúi xuống một cách bình thường được.
Đau nhức là triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Những ai dễ mắc thoát vị đĩa đệm?
Những người ở độ tuổi từ 30 - 50 có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao do đốt sống bắt đầu thoái hóa, các vòng sụn bị xơ hóa, rạn nứt, nhân nhầy bị khô, những thành phần nước và sự đàn hồi bên trong nhân nhầy giảm đi theo tuổi.
Nhân viên văn phòng cũng là nhóm người có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm rất cao. Khác với nhóm lao động nặng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm do chấn thương thì nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm đối với nhân viên văn phòng là do họ ngồi quá lâu ở một tư thế khiến đĩa đệm không được nuôi dưỡng nên sớm dẫn đến thoái hoá. Đĩa đệm bình thường không có mạch máu nuôi dưỡng mà được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua quá trình thẩm thấu. Khi cơ thể duy trì ở trạng thái ngồi quá lâu thì áp suất nội đĩa không thay đổi khiến quá trình thẩm thấu và nuôi dưỡng khó xảy ra làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng nề.
Nhân viên văn phòng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao
Không chỉ vậy, những người thường xuyên lái xe đường dài, hoặc làm nghề lái xe, lái máy xây dựng, máy ủi, máy xúc… hay bị thoát vị đĩa đệm. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là do đặc thù của công việc, những người này thường phải ngồi trên xe trong suốt thời gian làm việc nên các rung động, dằn xóc sẽ tác động liên tục lên cột sống. Mặt khác, họ luôn phải ngồi lâu ở một tư thế khiến dinh dưỡng cho đĩa đệm kém.
Bên cạnh những đối tượng trên thì một số nhóm người làm những công việc thường xuyên phải mang vác, khiêng, bê vật nặng, người có thói quen hay xách vật nặng một tay như thợ hồ, xách nước… cũng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn bình thường.