Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không? Câu trả lời có tại đây!

Cập nhật lúc 12:41 / 19.08.2019

Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không? Đó là băn khoăn của rất nhiều người. Suy giáp là một trong những rối loạn phổ biến, xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cho cơ thể. Vậy tình trạng này sẽ gây nên những ảnh hưởng gì và có cách nào điều trị dứt điểm không? Hãy cùng ĐỌC NGAY thông tin trong bài viết sau.

Thế nào là suy giáp?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu, suy giáp là hội chứng chứ không phải một bệnh riêng biệt. Tuy nhiên, có thể do nhầm lẫn hoặc thói quen mà nhiều người thường hay gọi “bệnh suy giáp” thay vì hội chứng suy giáp để chỉ tình trạng chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn đến không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ sản xuất, lưu trữ, giải phóng hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) vào máu, tham gia điều hòa sự trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa,... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm,... Hội chứng suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể

Nếu không được điều trị, suy giáp sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như vô sinh và bệnh tim. Một số triệu chứng suy giáp thường gặp bao gồm: Mệt mỏi, nhịp tim chậm, sợ lạnh, táo bón, khô da, khàn giọng, tăng cân không rõ nguyên nhân, cơ bắp đau nhức, cứng hoặc sưng đau khớp xương, mức cholesterol máu tăng cao, tâm trạng bất ổn, luôn cảm thấy buồn phiền, một số trường hợp còn bị trầm cảm,… Đàn ông, thanh thiếu niên và thậm chí trẻ sơ sinh đều có thể bị suy giáp. Theo thống kê, suy giáp ảnh hưởng từ 1 - 2% dân số trên thế giới và tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao gấp 10 lần so với nam giới.

Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Rất khó để trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Trước tiên, cần làm rõ khái niệm “điều trị” và “chữa khỏi”. Tất cả các triệu chứng suy giáp đều có thể được điều trị, giúp cho chức năng tuyến giáp dần dần khôi phục. Tuy nhiên, để giữ được tình trạng ổn định đó thì người mắc cần phải duy trì dùng thuốc.

Hội chứng suy giáp có chữa khỏi hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ: Với trường hợp suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto - là một rối loạn tự miễn làm cho hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn, tấn công và phá hủy tuyến giáp, dẫn tới giảm khả năng tạo hormone, thì việc dùng thuốc điều trị có thể giúp hồi phục chức năng tuyến giáp về mức bình thường, nhưng kháng thể phá hủy tuyến giáp không bị ảnh hưởng bởi thuốc. Vì thế, người mắc cần phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp suốt đời, tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi theo diễn biến của bệnh, do đó, bác sĩ sẽ kiểm tra mức TSH (hormone kích thích tuyến giáp) khoảng 12 tháng một lần.

Suy giáp có chữa khỏi hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Suy giáp có chữa khỏi hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Tuy nhiên, một số trường hợp suy giáp có thể tự hết sau một thời gian, chẳng hạn như tình trạng rối loạn tuyến giáp sau sinh. Đây là rối loạn xảy ra theo từng giai đoạn. Trong vòng 1– 6 tháng đầu tiên sau sinh, phụ nữ rơi vào tình trạng nhiễm độc giáp (cường giáp). Còn những tháng tiếp theo, người bệnh chuyển sang pha suy giáp. Mặc dù gây ra những phiền phức nhất định, nhưng kết quả thống kê cho thấy, 80% phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp đều sẽ trở lại bình thường sau 1 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tái phát ở những lần mang thai sau.

Bên cạnh đó, nếu bạn bị suy giáp do tác dụng phụ của thuốc thì chức năng tuyến giáp có thể sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng sử dụng. Nếu tình trạng suy giáp chỉ ở mức độ nhẹ, thì bạn có thể không cần điều trị, nhưng phải được theo dõi, để phát hiện sớm những dấu hiệu khi bệnh tiến triển nặng hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về những mặt lợi và hại của việc dùng thuốc để chữa chứng suy giáp nhẹ. Liều lượng của thuốc phải được theo dõi thận trọng, nhất là những người đồng thời mắc bệnh tim mạch, bởi vì dư hormone giáp sẽ làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực, loạn nhịp tim (rung nhĩ).

Trong đa số trường hợp, các triệu chứng suy giáp sẽ bắt đầu cải thiện trong tuần đầu tiên từ khi bắt đầu điều trị và biến mất sau một vài tháng. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị suy giáp cần phải được điều trị sớm. Còn đối với người lớn tuổi hoặc bệnh nhân có thể trạng sức khỏe kém thì phải mất thời gian lâu hơn để có thể đáp ứng với thuốc.

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12247127