Sỏi thận là bệnh không còn quá xa lạ và hiện đang có xu hướng gia tăng số người mắc. Có nhiều cách trị sỏi thận, trong đó, phương thức điều trị sỏi niệu quản 1/3 dưới bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể đã được nhiều người áp dụng cho thấy hiệu quả khả quan. Cùng tìm hiểu về rõ hơn về cách điều trị bệnh sỏi niệu quản trong bài viết này nhé!
Sỏi niệu quản 1/3 dưới là gì?
Sỏi tiết niệu là bệnh phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ trường hợp mắc sỏi tiết niệu chiếm 30 - 40% tổng số ca đến khám bệnh về tiết niệu. Trong số sỏi tiết niệu, sỏi thận chiếm tỷ lệ 40%; Sỏi niệu quản chiếm 28,27%; Sỏi bàng quang chiếm 28,31% và sỏi niệu đạo chiếm 5,43%. Sỏi niệu quản đứng hàng thứ 2 sau sỏi thận. Có đến 80% sỏi niệu quản là sỏi từ thận di chuyển xuống, còn lại là sỏi sinh ra tại chỗ do dị dạng, hẹp niệu quản. Sỏi niệu quản có thể gặp ở 1/3 trên, 1/3 giữa và sỏi niệu quản 1/3 dưới.
Vị trí sỏi niệu quản 1/3 dưới
Sỏi niệu quản 1/3 dưới cũng như ở vị trí khác của niệu quản đều gây ra những biến chứng nguy hiểm như ứ nước, ứ mủ thận, vô niệu, suy thận cấp, viêm xơ chít hẹp niệu quản,... Sỏi niệu quản nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thường đưa đến kết quả khả quan. Điều trị sỏi niệu quản nói chung và sỏi niệu quản 1/3 dưới nói riêng có nhiều phương pháp, trong đó điều trị nội khoa và bằng phẫu thuật được tiến hành từ rất lâu. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ mà việc điều trị sỏi niệu quản đã áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả hơn như: Phẫu thuật nội soi qua ổ bụng, tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể,… giúp rút ngắn thời gian nằm viện.
Điều trị sỏi thận bằng phương pháp nội khoa
Sỏi niệu quản là loại phá huỷ thận nặng và nhanh nhất. Theo các chuyên gia, nên điều trị nội khoa ngay khi sỏi còn nhỏ, đường kính < 7mm, sỏi nhẵn, bờ rõ nét, chức năng hình thể thận tương đối bình thường, niệu quản bình thường. Điều trị nội khoa nhằm mục đích tạo điều kiện tống sỏi ra ngoài.
- Trong cơn đau: Dùng thuốc giảm đau, chống co thắt niệu quản.
- Chống nhiễm khuẩn: Kháng sinh.
- Lợi tiểu: Furosemid, hydroclorothiazide, orthsophene,…, uống nhiều nước, tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch ngọt, mặn đẳng trương.
Thuốc điều trị sỏi niệu quản
- Vận động nhiều.
- Các thuốc đặc hiệu: Thuốc tan sỏi như piperazin, dung dịch THAM đối với sỏi amoniphosphat; kiềm hoá nước tiểu bằng bicacbonat natri hoặc dùng allopurinol (thuốc ức chế purin) với sỏi acid uric.
- Ngoài ra, có thể tham khảo áp dụng các phương pháp dân gian khác như: Uống nước râu ngô, rễ cỏ chanh,… dưới sự tư vấn của chuyên gia.
Nếu như điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa. Trong đó, tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phổ cập mà hầu hết các cơ sở y tế đều thực hiện được.
Hiệu quả điều trị sỏi niệu quản 1/3 dưới nhờ tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể được đánh giá là một trong những thành tựu rất quan trọng vào những năm cuối của thế kỷ 20. Tháng 1/2006, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được trang bị máy tán sỏi ngoài cơ thể. Từ đó cho đến nay, bệnh viện đã tiến hành tán sỏi cho nhiều bệnh nhân sỏi niệu 1/3 dưới và bước đầu thu được những kết quả nhất định. Sau khi gây mê toàn thân hoặc tiền mê giảm đau, bệnh nhân được nằm trên máy tán sỏi. Phần lưng tương ứng với vị trí của sỏi được đặt tiếp xúc với bóng của nguồn phát sóng xung kích. Với định vị của X-quang, bác sĩ điều khiển sóng xung kích hội tụ chính xác vào viên sỏi và phát xung để tán sỏi. Trung bình mỗi liệu trình điều trị thường sử dụng không quá 3.000 nhịp sóng xung kích để bảo đảm an toàn tối đa cho nhu mô thận nhưng đồng thời tán vỡ được sỏi. Trong quá trình tán, sỏi luôn di động theo nhịp thở, do vậy, nếu không giữ được nhịp thở sâu và đều thì số lần sóng xung kích không trúng vào sỏi sẽ tăng lên, kéo theo hiệu quả vỡ sỏi giảm đi.
Bệnh nhân đang tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để tán vỡ nó. Như vậy, hiệu quả phụ thuộc vào công suất máy và độ rắn của viên sỏi. Quyết định sử dụng công suất tán sỏi cao hay thấp phụ thuộc vào vị trí và độ rắn của sỏi dựa theo thông số trên X-quang hoặc diễn biến về sự vỡ của sỏi trong quá trình tán. Khoảng cách từ da đến viên sỏi (bệnh nhân béo hay gầy) cũng là 1 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tán sỏi. Sau khi được phá vỡ, các mảnh sỏi phải tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu và như vậy, hiệu quả lại phụ thuộc vào sự thông suốt của đường tiết niệu. Với những sỏi ở đài dưới thận, khả năng tự đào thải mảnh sỏi vụn phụ thuộc nhiều vào góc giữa trục đài thận với trục bể thận. Trên thực tế, không ít trường hợp sỏi đài dưới đã được tán vỡ, song vẫn đọng lại không đào thải ra được. Sự thông suốt của niệu quản đóng vai trò quyết định cho sự đào thải của mảnh sỏi, do vậy, việc đánh giá tình trạng toàn bộ đường tiết niệu là cần thiết khi đưa ra chỉ định tán sỏi.