Cùng với sự phát triển của xã hội, điện thoại thông minh đang được xem là “vật bất ly thân” của nhiều người. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người không biết rằng, thiết bị này lại là nguyên nhân khiến tình trạng điếc tai, nghe kém, suy giảm thính lực ngày càng phổ biến. Cụ thể vấn đề này như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin chi tiết ở trong bài viết sau.
Lạm dụng điện thoại thông minh có thể gây điếc tai?
Việc lạm dụng quá mức các thiết bị điện thoại thông minh có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Ngoài việc làm gián đoạn thần kinh - nội tiết, mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, thì một hậu quả nghiêm trọng hơn đó chính là gây nguy cơ điếc tai vĩnh viễn.
Điện thoại là một phát minh có tính ứng dụng lớn, góp phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng nó lại có thể gây tổn hại đến thính giác một cách trầm trọng. Rất nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh mức độ ảnh hưởng của thiết bị này tới sức khỏe con người, đặc biệt là khả năng nghe.
Lạm dụng điện thoại thông minh là nguyên nhân gây điếc tai
Một cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm nghiên cứu Pew Internet Research (Mỹ) gần đây cho thấy, 65% người trưởng thành ở Mỹ và gần 40% dân số thế giới sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Con số này đang gia tăng mỗi ngày theo cấp số nhân. Hiện nay, số người lớn ở Mỹ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh đã vượt quá 90%.
Tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy số người sử dụng điện thoại thông minh cũng không ngừng tăng lên. Theo các chuyên gia, sở dĩ điện thoại có thể gây điếc tai là do thói quen của người dùng không được lành mạnh. Việc thường xuyên nghe nhạc quá lớn, sử dụng tai nghe, thường xuyên nói chuyện điện thoại trong thời gian dài chính là nguyên nhân gây điếc tai.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa điện thoại thông minh và điếc tai
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Tai – Mũi - Họng tại Viện Giáo dục Y khoa và Nghiên cứu ở Chandigarh, Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đã đánh giá và so sánh những thay đổi đối với con đường trung tâm thính giác và tai trong do tiếp xúc với sóng điện từ, từ những chiếc điện thoại thông minh. Sử dụng máy kiểm tra chức năng nghe cho 125 người trong ít nhất một năm, so sánh với chức năng nghe của 58 người chưa bao giờ sử dụng điện thoại. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, những người dùng điện thoại thông minh lâu dài sẽ bị điếc tai suy giảm thính lực đáng kể so với người không sử dụng điện thoại di động.
Nghe nhạc bằng điện thoại khiến nguy cơ điếc tai cao hơn
Một đánh giá khác của tiến sĩ Divya Prabhat, bác sĩ phẫu thuật tai – mũi – họng ở Bệnh viện Bhatia và Wadia cho biết, ông đã nhận được nhiều phàn nàn của bệnh nhân về tình trạng đau ở tai, thậm chí điếc tai sau khi nghe, gọi điện thoại: "Khiếu nại phổ biến nhất là sau khi họ gác máy, tai bị nóng, xuất hiện dấu hiệu bị ù tai, nghe kém đi, gây ra cảm giác khó chịu và thiếu tập trung", Divya Prabhat nói.
Những vấn đề nghiêm trọng nhất sau khi sử dụng điện thoại thông minh trong một thời gian dài đó là tình trạng điếc tai: "Gần đây, tôi có một bệnh nhân 45 tuổi bị mất thính giác 30% ở tai phải, vì cô ấy luôn luôn gọi điện thoại sử dụng bên tai này. Khi tôi nói cô ấy hãy tạo thói quen nghe bên trái, 3 tháng sau, cô ấy đến với một tình trạng tai trái suy giảm thính lực ở mức 50%", Tiến sĩ Prabhat cho biết thêm.
Một báo cáo khác gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, có hơn một tỷ người trẻ tuổi tiềm ẩn nguy cơ bị điếc vĩnh viễn, đơn giản là từ việc nghe nhạc quá lớn, đeo tai nghe trong nhiều giờ hoặc thường xuyên nói chuyện, trao đổi công việc qua điện thoại.
Nói chuyện điện thoại trong thời gian dài cũng có thể gây điếc
"Bất cứ loại hình âm thanh nào được đổ dồn vào màng nhĩ cũng có thể tác động nhất định tới khả năng nghe của con người. Sử dụng điện thoại nhiều giờ để nghe, gọi hoặc giải trí đều gây ảnh hưởng tới sức nghe và có thể dẫn đến điếc tai. Vì vậy, hãy điều tiết, cân nhắc kỹ việc sử dụng điện thoại sao cho hợp lý” - Rex Banks, nhà thính lực học, Hội trưởng Hội thính lực học tại Canada cho biết.