Viêm lợi là căn bệnh mà rất nhiều người mắc phải hiện nay. Tuy nhiên, họ lại chưa thật sự hiểu rõ viêm lợi là gì, có nguy hiểm không và điều trị ra sao. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho viêm lợi ngày càng nặng hơn, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn chảy máu lợi, nặng hơn là bị rụng răng. Vậy để biết viêm lợi là gì, bạn hãy dành 5 phút tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Viêm lợi là gì, nguyên nhân do đâu?
Viêm lợi là tình trạng các mô bao quanh có tác dụng nâng đỡ và hỗ trợ răng bị nhiễm trùng. Đây là bệnh lý răng miệng khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em.
Viêm lợi không chỉ khiến cho răng bị tổn thương mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm lợi phổ biến:
- Vệ sinh răng miệng kém: Các mảnh thức ăn mắc lại không được làm sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công đến tận chân răng và sản sinh những enzyme có khả năng phá huỷ sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng), khiến cho sự liên kết giữa răng và lợi lỏng lẻo, từ đó gây ra viêm lợi.
- Dinh dưỡng kém: Thiếu dưỡng chất nuôi dưỡng lợi cũng gây ra tình trạng viêm. Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng là nguyên nhân gây ra những mảng bám trên răng, từ đó tạo thuận lợi cho bệnh viêm lợi tiến triển.
- Giảm tiết nước bọt: Một số thuốc (chống trầm cảm, lợi niệu, histamin,…) hoặc bệnh lý có thể làm giảm việc tiết nước bọt, gây khô miệng. Điều này tạo điều kiện cho các mảng bám và cao răng tích tụ dễ dàng hơn, từ đó gây viêm lợi.
- Giảm miễn dịch: Điều này làm giảm khả năng đề kháng đối với cơ thể và viêm lợi có thể xảy ra nếu bạn vệ sinh răng miệng không tốt.
Bệnh viêm lợi do nhiều nguyên nhân khác nhau
Nếu không điều trị, viêm lợi có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của con người như:
- Viêm lợi có thể dẫn đến viêm nướu răng, lan đến các mô cơ, xương và có thể gây mất răng.
- Làm tăng nguy cơ đau tim, viêm phổi, đột quỵ.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm lợi thì cân nặng lúc ra đời thường nhẹ hơn.
- Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng sinh non.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi
Triệu chứng viêm lợi rất dễ theo dõi và phát hiện. Người bị viêm lợi sẽ có dấu hiệu trực tiếp dễ dàng quan sát từ bên ngoài và cảm nhận được từ bên trong. Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm lợi như:
+ Đau ở khoang miệng, chỗ lợi sưng.
+ Có cao răng, mảng bám răng.
+ Chải răng thấy buốt, thậm chí có máu xuất hiện khi đánh răng.
+ Lợi sưng hoặc có màu hồng tím.
+ Miệng hôi.
+ Trường hợp nặng có thể bị lở loét, mưng mủ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi
Người bị viêm lợi thường sẽ trải qua hai giai đoạn của bệnh:
- Viêm lợi cục bộ:
Đây là giai đoạn không gây nhiều đau đớn với các biểu hiện như: Lợi sưng đỏ, phồng lên và có thể chảy máu khi có tác động, nhất là lúc đánh răng. Đây là giai đoạn đầu của bệnh nên chưa ảnh hưởng đến chân răng và các tổ chức quanh răng.
- Viêm cận răng:
Khi lợi đã bị viêm mà không được chăm sóc đúng cách và điều trị, lớp lợi bên trong cùng với xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm khuẩn, khiến lợi bị viêm sưng đỏ, sưng má, chảy máu gây đau nhức, răng miệng có mùi hôi. Lâu ngày, lợi sẽ bị tụt xuống làm chân răng lộ ra, trông rất xấu. Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu, lợi và xương hàm bị phá hủy nặng, răng không còn chỗ bám nữa sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.
Cách điều trị viêm lợi
Để phòng ngừa cũng như điều trị viêm lợi, bạn phải kết hợp đánh răng, dùng chỉ nha khoa và rửa sạch răng miệng đúng cách. Hãy làm những điều sau:
- Chăm sóc răng miệng đúng cách: Khi viêm lợi ở giai đoạn sớm, giải pháp đơn giản là tăng cường thói quen chăm sóc răng miệng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Đánh răng sau bữa ăn, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng dung dịch nha khoa chuyên dụng ít nhất hai lần mỗi ngày giúp ngăn ngừa viêm lợi hiệu quả.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ răng miệng khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Thiếu vitamin C là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm lợi. Do đó, hãy thường xuyên bổ sung các loại trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, thanh nhiệt, giải độc, từ đó bảo vệ cơ thể, chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây viêm lợi.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Khi bị viêm lợi, sử dụng thuốc kháng sinh là cách chữa mà mọi người nghĩ đến đầu tiên, bởi nó có tác dụng vô cùng mạnh giúp hạn chế sự tiến triển của viêm lợi. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này, cần tuân theo đúng chỉ dẫn của chuyên gia để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.
Khi viêm lợi tiến triển nặng cần được điều trị chuyên khoa
- Điều trị chuyên khoa: Người bị viêm lợi có thể phải phẫu thuật vùng lợi để loại bỏ tận gốc túi viêm. Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị viêm lợi hiệu quả, bạn nên được tư vấn phương thức phù hợp.