Bị bướu Basedow có mổ được không? Câu trả lời có ngay sau đây!

Cập nhật lúc 16:36 / 09.12.2019

Bướu Basedow là bệnh lý không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người mắc. Vậy bị bướu Basedow có mổ được không? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây. 

Bướu Basedow là bệnh như thế nào?

Bướu Basedow còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bướu cổ Basedow, bướu cổ lồi mắt,… Đây là một trong những bệnh lý phổ biến ở tuyến giáp, gây không ít ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống hàng ngày với triệu chứng điển hình của hội chứng cường giáp. Bướu Basedow xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch (còn gọi là hiện tượng tự miễn). Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể để chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, vì một yếu tố nào đó mà hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn, khiến cho cơ thể sinh ra các kháng thể tự sinh giống với chất chủ vận của hormone kích thích tuyến giáp TSH, làm cho tuyến giáp hoạt động quá mức, phình to ra, hình thành khối bướu ở cổ. Hơn nữa, hormone được sản xuất ra quá nhiều so với nhu cầu, gây ra cường giáp.

 Bướu Basedow xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch

Bướu Basedow xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch

Bướu Basedow là bệnh có thể di truyền nhưng không lây lan từ người bệnh sang người lành. Phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới.

Bị bướu Basedow có mổ được không?

Khi bị bướu Basedow, người mắc phải chịu rất nhiều ảnh hưởng do tăng chuyển hóa như: Mệt mỏi; chân tay run rẩy; tim đập nhanh; rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày; ăn nhiều mà vẫn gầy sút; rối loạn thân nhiệt, không chịu được nóng, ra mồ hôi nhiều; tinh thần bất ổn, hay cáu gắt, khó tập trung;… Không những thế, họ còn phải đối diện với hiện tượng cổ “sưng to” do tuyến giáp phì đại vì làm việc quá mức cần thiết. Sự xuất hiện của khối bướu này chẳng những gây mất thẩm mỹ mà còn khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong ăn uống, giao tiếp bởi bướu to sẽ chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn, chèn ép thanh quản dẫn đến khàn giọng, chèn ép khí quản làm khó thở,… Vậy bị bướu Basedow có mổ được không? Câu trả lời là “có”, tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện phẫu thuật bướu Basedow khi thật sự cần thiết, bởi các biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi mổ là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe toàn thân.

 Bướu Basedow chỉ nên mổ khi thật sự cần thiết

Bướu Basedow chỉ nên mổ khi thật sự cần thiết

Chuyên gia nội tiết khuyến cáo rằng, biện pháp điều trị bướu Basedow bằng can thiệp ngoại khoa chỉ được áp dụng khi:

- Người bệnh Basedow đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4 - 6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngừng thuốc.

- Tình trạng cường giáp tuy ổn định nhưng bướu giáp không nhỏ lại.

- Bướu Basedow phát triển to gây mất thẩm mỹ, có các biểu hiện chèn ép gây khó thở hoặc ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ.

- Bệnh Basedow ở trẻ em điều trị bằng nội khoa không kết quả.

Lưu ý: Các trường hợp bị Basedow nặng có những rối loạn bệnh lý không hồi phục trong cơ quan nội tạng, đặc biệt hệ tim mạch thì không được dùng phương pháp này.

Những vấn đề có thể xảy ra trong và sau khi mổ bướu Basedow

Bướu Basedow có thể mổ được nếu như người mắc thuộc nhóm đối tượng đã lưu ý trên đây. Một số biến chứng có thể xảy ra khi can thiệp ngoại khoa bao gồm:

- Chảy máu trong và sau khi mổ: Là biến chứng hay gặp nhất, có tỷ lệ từ 1 - 2%. Nguyên nhân thường là do bướu quá lớn, việc chuẩn bị tiền phẫu không kỹ, không sử dụng dung dịch lugol trước mổ hoặc bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc phẫu tích và xử lý mạch máu đến tuyến giáp. Có trường hợp phải truyền máu hoặc mổ lại để cầm máu.

- Hạ canxi máu: Đây là biến chứng thường gặp, nguyên nhân do tuyến cận giáp trạng (tuyến nội tiết có nhiệm vụ điều hoà lượng calci trong máu, kích thước chỉ bằng hạt đậu xanh) bị tổn thương trong lúc mổ. Triệu chứng thường gặp là: Bệnh nhân thấy tê chân tay, mệt mỏi nhiều, thần kinh dễ bị kích thích, lo lắng,… Nặng hơn sẽ có biểu hiện đau bắp chân như vọp bẻ, bàn tay co quắp, các ngón tay rút lại theo kiểu bàn tay của người đỡ đẻ.

- Khàn tiếng sau mổ: Tình trạng này hay gặp ở những người có bướu lớn, chảy máu nhiều trong phẫu thuật hoặc trường hợp quanh bướu có hiện tượng viêm dính. Nguyên nhân là do tổn thương dây thần kinh quặt ngược hay dây thần kinh thanh quản trên. Việc khàn tiếng cũng có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

 Khàn tiếng là biến chứng thường gặp sau mổ bướu Basedow

Khàn tiếng là biến chứng thường gặp sau mổ bướu Basedow

- Cơn bão giáp trạng: Đây là biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị phẫu thuật chưa tốt, bệnh nhân được mổ trong tình trạng chưa bình giáp hoàn toàn. Sau mổ, bệnh nhân sốt cao 40 - 41ºC, rối loạn tâm thần, kích động, mạch rất nhanh có khi lên đến 160 - 170 lần/phút,… Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong.

Hiện nay, với những phương pháp đánh giá tiên tiến, chuẩn bị phẫu thuật tốt, các biến chứng này hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, mổ bướu Basedow chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết, sau khi đã cân nhắc và chỉ định. Thời gian điều trị nội khoa trước phẫu thuật chỉ nên kéo dài không quá 6 tháng.

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12139376