Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não). Bởi vậy, kiểm soát huyết áp chính là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ hữu ích và quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần lưu ý. Vậy, làm thế nào để kiểm soát huyết áp và phòng ngừa đột quỵ hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau!
Tại sao huyết áp cao có thể gây tai biến đột quỵ?
Huyết áp sinh ra từ cơ chế bơm máu của tim và sự co giãn của thành động mạch. Đây là số đo áp lực của máu tác động lên thành mạch và được biểu hiện dưới dạng phân số với đơn vị đo là milimet thủy ngân (mmHg). Trong đó: Số trên là huyết áp tâm thu, số dưới là huyết áp tâm trương. Huyết áp được gọi là cao khi huyết áp tâm thu >= 140mmHg và/hoặc khi huyết áp tâm trương >= 90mmHg.
Huyết áp cao được biết đến là nguyên nhân gây tai biến đột quỵ hàng đầu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, những người bị huyết áp cao có nguy cơ tai biến đột quỵ cao gấp 4 – 6 lần so với người bình thường. Có 2 con đường dẫn tới tai biến đột quỵ của huyết áp cao, đó là:
- Huyết áp cao khiến động mạch xơ cứng do có mảng bám tích tụ trên thành mạch. Những mảng bám này có thể bít tắc, ngăn cản lưu thông máu hoặc khi chúng vỡ ra sẽ kết hợp với tiểu cầu trong máu, kết dính tạo thành cục máu đông gây tắc mạch máu não.
- Áp lực của máu lên thành mạch thường xuyên ở mức cao sẽ làm mạch máu suy yếu, có thể phình to rồi vỡ ra, dẫn đến xuất huyết não rất nguy hiểm.
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến đột quỵ
Cách phòng ngừa tai biến đột quỵ nhờ kiểm soát huyết áp
Kiểm soát huyết áp là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ thiết thực. Để thực hiện được mục tiêu này, người bệnh huyết áp cao cần ghi nhớ một số điều sau:
Giảm cân
Huyết áp thường tăng tỷ lệ thuận với cân nặng. Chính vì vậy, nếu đang bị thừa cân – béo phì, bạn hãy cố gắng giảm cân. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, huyết áp sẽ giảm 1mmHg trên mỗi kg cân nặng.
Tập thể dục thường xuyên
Nếu bạn là người bệnh huyết áp cao, việc hoạt động thể chất thường xuyên (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần) có thể giúp huyết áp giảm từ 5 – 8 mmHg, đưa huyết áp về mức độ an toàn hơn. Điều quan trọng là bạn phải kiên trì vì nếu ngừng tập luyện, huyết áp có thể tăng trở lại.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối
Chế độ ăn ít muối, giàu ngũ cốc, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít béo, không sử dụng chất béo bão hòa, cholesterol có thể làm giảm tới 11 mmHg ở người bị huyết áp cao.
Hạn chế rượu bia
Nếu uống ở mức độ vừa phải (mỗi ngày 1 ly với phụ nữ và 2 ly với đàn ông) thì rượu có thể giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, khi bạn uống quá nhiều rượu bia, huyết áp sẽ “nhảy vọt”, đồng thời làm giảm tác dụng của thuốc hạ huyết áp.
Hạn chế rượu bia giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa tai biến đột quỵ
Tránh xa thuốc lá
Khoa học đã chứng minh, những người không hút thuốc có tuổi thọ dài hơn người hút thuốc hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc. Khói thuốc có thể làm tăng huyết áp trong nhiều giờ. Khi bạn bỏ thuốc, huyết áp sẽ trở lại bình thường, giúp bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tai biến đột quỵ.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp. Do vậy, bạn hãy cố gắng loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng ra khỏi cuộc sống.
Thường xuyên đo huyết áp tại nhà
Thường xuyên đo huyết áp tại nhà giúp bạn quản lý các nguy cơ gây bệnh và có thể phát hiện sớm những biểu hiện bất thường, từ đó giảm nguy cơ tai biến đột quỵ.