Đau lưng có thể do bệnh phụ khoa
Nếu bị đau lưng, bạn không nên chỉ "săm soi" cột sống mà nên lưu ý đến cả khả năng mắc bệnh phụ khoa, vì các khối u ở tử cung, buồng trứng... cũng gây triệu chứng này.
Phụ nữ hay bị đau lưng hơn đàn ông bởi lý do sinh lý như đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, cho con bú, cộng thêm hậu quả của việc làm đẹp như mặc áo nịt ngực chật, đi giày cao gót, diện quần cạp trễ... Nhưng có một lý do ít được biết đến, đó là bệnh phụ khoa, trong đó, viêm xương chậu là hay gặp nhất. Người bị bệnh ngoài việc cảm thấy lưng đau mỏi còn thấy đau bụng, bụng dưới như sệ xuống.
Viêm xương chậu cấp tính thường có biểu hiện sốt, dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ là có thể chữa khỏi. Nhiều người bị bệnh này nhưng không sốt nên không đi khám, bệnh dần dần phát triển thành mạn tính, điều trị lâu dài và tốn kém hơn. Lâu ngày, bệnh có thể dẫn đến tắc ống dẫn trứng, gây vô sinh và chửa ngoài dạ con.
Các bệnh u tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng... đều có thể gây đè nén cột sống, dẫn đến đau lưng. Do đó, phụ nữ nên chịu khó “lắng nghe” cơ thể mình để phát hiện sớm bệnh tật. Chị em cũng cần phân biệt một số biểu hiện đau lưng:
Đau lưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh phụ khoa. (ảnh minh họa)
- Do bệnh phụ khoa: Thường là đau nhức phần xương cụt, kèm theo đau bụng, kinh nguyệt không đều, nhiều khí hư, bụng dưới sệ xuống.
- Do bệnh cột sống: Thường là đau ở thắt lưng, kèm theo nhức chân, đùi bị tê. Nếu đau lưng nhiều ở đoạn cuối lưng, đau đột ngột khi nâng vật nặng hay vận động mạnh thì có thể do thoát vị đĩa đệm.
- Do bệnh thận: Đau hai bên, bệnh nhân đi tiểu ít, ăn uống không ngon miệng, phù nề.
- Do bệnh lao: Thường kèm theo tức ngực, ho kéo dài, sút cân.
Ở những người cao tuổi, nếu đau lưng kèm theo dấu hiệu chóng mặt thì có thể là do thoái hoá cột sống, hội chứng thiếu máu não. Nếu bị nhiễm trùng đường ruột, bàng quang, niệu quản, người bệnh cũng cảm thấy đau lưng.
Theo: Gia đình & xã hội