Làm gì để tránh tai biến khi mổ?

Cập nhật lúc 16:10 / 18.09.2012

Làm gì để tránh tai biến khi mổ?

Biến chứng bất ngờ

Bệnh nhân nữ B.T.H. (68 tuổi) được chẩn đoán thoái hóa khớp háng, có chỉ định thay khớp tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân được phẫu thuật nhưng trong quá trình phẫu thuật diễn tiến khá phức tạp. Đầu tiên bệnh nhân khó thở, sau đó độ bão hòa oxy trong máu giảm dần, mặc dù bệnh nhân được cho thở oxy kịp thời nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Dần dần bệnh nhân hôn mê và được xử trí bằng cách đặt ống nội khí quản cho thở máy và chuyển lên tuyến trên.

Tại đây bệnh nhân được làm các xét nghiệm tầm soát, đáng tiếc diễn tiến ngày càng xấu, huyết áp tụt, sau đó giãn đồng tử, bệnh nhân tử vong. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu phổi, nhồi máu não diện rộng.

Bản thân bệnh lý cần mổ đôi khi rất đơn giản nhưng thường xảy ra các biến chứng trong và sau mổ là do các bệnh lý nội khoa đi kèm mà bệnh nhân không khai hay do các bác sĩ khám qua loa không phát hiện được.

Một bệnh lý đơn giản như cắt ruột thừa viêm, nếu bệnh nhân trẻ, khỏe thì đây là một phẫu thuật đơn giản, nhưng nếu cũng phẫu thuật này được thực hiện trên bệnh nhân lớn tuổi lại là một chuyện khá phức tạp cần phải được đánh giá cẩn thận và lựa chọn thuốc gây mê phù hợp. Vì với bệnh nhân lớn tuổi, các cơ quan đều xuống cấp nên việc chuyển hóa và đào thải thuốc kém, đồng thời thường kèm theo các bệnh lý mãn tính khác như bệnh lý tim mạch, tiểu đường… Do đó những bệnh nhân này trước khi phẫu thuật cần phải được điều chỉnh huyết áp thật tốt dưới 180 mmHg mới hạn chế các tai biến trong và sau mổ.

Tương tự có một số bệnh lý cần phải được khám, đánh giá và điều trị tốt trước mổ để giảm các tai biến nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Nhịn ăn, uống trước mổ là có lý do

Điều lưu ý là khi mắc một số bệnh mãn tính, bệnh nhân cần phải báo ngay cho bác sĩ gây mê trước khi trải qua bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào. Chỉ một sơ suất nhỏ không được kiểm soát cũng sẽ gây ra những tai biến lớn đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng của người bệnh. Ví dụ như bệnh nhân có bệnh tiểu đường nếu lúc mổ đường huyết tăng cao sẽ gây ức chế hệ thống miễn dịch và sự lành vết thương bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng sau mổ, vết mổ sẽ lâu lành. Nếu đường huyết tăng quá cao bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê do nhiễm xêton axit, thậm chí có thể tử vong.

Do đó những bệnh nhân này phải được kiểm soát đường huyết trước mổ dưới 180mg/dl. Một bệnh nhân bị bệnh hen suyễn hay có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường viêm nhiễm đường thở gây phù nề trên đường dẫn khí, do đó cần điều trị thuốc kháng viêm trước mổ 1-2 tuần để làm thông thoáng đường thở nhằm hạn chế tình trạng co thắt các đường dẫn khí nhỏ do các kích thích mạnh trong lúc khởi mê hay trong lúc mổ. Trên bệnh nhân có bệnh lý suy gan, suy thận thì bác sĩ gây mê cần phải lựa chọn thuốc ít ảnh hưởng tới chức năng hai cơ quan này, đồng thời phải giảm liều thuốc thích hợp.

Trước mổ bác sĩ cũng hay căn dặn bạn nhịn ăn, uống ít nhất bốn tiếng bởi trong quá trình gây mê bạn sẽ mất hết các phản xạ bảo vệ như phản xạ ho, nuốt nên nếu ăn no hay uống nhiều nước có nguy cơ các chất từ trong dạ dày trào ngược ra chảy vào phổi làm tắc đường thở gây tử vong.

Nói chung, khi phải phẫu thuật dù lớn hay nhỏ, bệnh nhân cũng cần cho bác sĩ gây mê biết có những bệnh lý mãn tính nào để được thảo luận, lựa chọn phương pháp và loại thuốc gây mê phù hợp nhất với cơ thể bệnh nhân, giúp cho cuộc phẫu thuật thành công.

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12294892