Đặt stent động mạch cổ an toàn và hiệu quả
Có 2 phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị các mạch máu ở cổ là đặt stent và phẫu thuật. Tuy nhiên, dù điều trị theo cách nào thì cũng sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng và không phải tất cả các bác sĩ đều nhận thức được rằng stent là an toàn. 3 nghiên cứu trước đó cho thấy rõ quan điểm này. Nguyên nhân là mặc dù stent giúp ngăn ngừa đột quỵ trong một thời gian dài nhưng bản thân nó lại có thể tạo ra một cơn đột quỵ khác nếu một mẩu mảng bám “chu du” lên não.
Nghiên cứu trên 2.502 bệnh nhân tại Mỹ và Canada (không bao gồm những bệnh nhân đang uống các loại thuốc kiểm soát nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao hay cholesterol cao trong máu) cho thấy, sau 1 tháng điều trị, nhóm đặt stent bị đột quỵ là 4% trong khi ở nhóm phẫu thuật là 2%. Nhưng có khoảng 2% trong nhóm phẫu thuật bị nhồi máu cơ tim so với 1% ở nhóm đặt stent.
Nghiên cứu mới này đã khám phá ra sự cân bằng khá thú vị: đột quỵ là một biến chứng thường gặp hơn khi đặt stent trong khi nhồi máu cơ tim lại phổ biến hơn sau phẫu thuật.
Các bác sĩ cho biết, một bệnh nhân có thể lựa chọn hướng nào cho sức khỏe của họ, nguy cơ nào họ dễ chấp nhận hơn và mức độ họ muốn tránh xa phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tuổi chưa tới 70 thì đặt stent sẽ tốt hơn. Còn ở ngoài 70 thì phẫu thuật lại tốt hơn. “Trên thực tế, trong phẫu thuật, không có sự hạn chế về tuổi tác”, TS Wesley Moore, Đh California và bác sĩ của BV Los Angeles, giải thích.
Khảo sát cho thấy con người có xu hướng lo lắng về đột quỵ hơn là một cơn nhồi máu cơ tim, chuyên gia thần kinh học hàng đầu BS Lee Schwamm, bệnh viện Massachusetts cho biết. “Họ khiếp sợ tình trạng sống mà bị liệt sau cơn đột quỵ… và những năm cuối đời sẽ gắn chặt với chiếc giường”, BS Lee cho biết.
Phương Uyên
Theo AP