Trị Mụn Bằng Tia Laser - Lợi Và Hại
Hình minh họa
Có rất nhiều cách để bạn trị mụn: trị mụn với phương pháp cổ truyền, trị mụn với phương pháp hiệu quả từ thiên nhiên, trị mụn với các loại thuốc tây và hiện nay thì có phương pháp trị mụn bằng tia laser. Phương pháp này có tác dụng ra sao và nó có tác hại gì không sau khi chúng ta điều trị hết mụn từ nó?
Làm đẹp bằng công nghệ tia laser du nhập vào Việt Nam khoảng năm năm trở lại đây. Tia laser được sử dụng trong việc điều trị thẩm mỹ tiêu hủy mụn cóc, nốt ruồi, xóa xăm, xóa các vết bớt bẩm sinh... Gần đây có thêm công nghệ laser thế hệ mới có tác dụng trị mụn, xóa sẹo mụn, xóa nhăn, xóa vết rạn trên da.
Có nhiều loại tia laser với những công dụng khác nhau, thị trường làm đẹp Việt Nam hiện chỉ sử dụng vài loại.
Phổ biến nhất là dùng Tia CO2 để đốt cháy một vùng da, sử dụng chủ yếu trong việc làm tan mụn cóc, nốt ruồi; một số nơi dùng để xóa vết xăm.
Loại laser Yag có tính chất phân hủy da chọn lọc theo mầu sắc, được sử dụng trong việc xóa vết bớt bẩm sinh hoặc hình xăm.
Riêng kỹ thuật điều trị mụn được thực hiện với laser CT3 công suất cao tác động trực tiếp vào tuyến bã, ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh nhiều bã nhờn - yếu tố gây nên mụn trứng cá. Tia laser có tác động kích thích tăng sinh collagen trong lớp bì làm căng da quanh sẹo mụn, căng da bị nhăn ở vùng cổ bụng, mặt... Đây là phương pháp làm đẹp ít gây đau đớn, không bị sưng tấy, thời gian phục hồi nhanh và tiện lợi.
Tuy nhiên giá điều trị khá đắt, như dịch vụ điều trị mụn (cả mặt) giá 1 triệu đồng/lần. Nếu điều trị một vùng nhỏ ở má, hoặc trán thì khoảng 400.000 đồng/lần. Điều trị mụn bằng tia laser phải mất ít nhất sáu lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Dịch vụ làm trẻ hóa da từ 4-5 lần, mỗi lần cách nhau một tháng, một năm sau phải chiếu tia laser lại.
Có phải ai bị mụn cũng nên điều trị bằng laser?
Anh Đ.V.C (36 tuổi, ngụ tại TP.HCM), bị mụn trứng cá đỏ từ nhiều năm nay. Biểu hiện rõ nhất là lỗ mũi anh đỏ bóng như quả cà chua. Ngay từ khi bắt đầu bị mụn, anh đã theo chỉ dẫn của bạn bè tìm đến một số cơ sở không chuyên để nặn mụn. Do nặn mụn không đúng cách nhiều lần, mũi anh bị sưng to, đồng thời để lại di chứng là những vết sẹo lồi lõm lên xuống. Những di chứng này tồn tại và không thay đổi theo thời gian.
Trường hợp của anh Đ.V.C nói trên, bác sĩ có thể phối hợp dùng phương pháp laser để điều trị, nhằm giúp hủy tuyến bã nhờn tránh tình trạng tăng tiết bã nhờn, ứ bã nhờn hay viêm dẫn đến nổi mụn... Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị mụn khác không nhất thiết phải dùng đến laser để chữa trị. Trong gần 100 trường hợp đến khám mụn mỗi ngày tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rất ít trường hợp được chỉ định điều trị bằng laser.
Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, laser ít khi được các bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định trong điều trị mụn, ngoại trừ số ít trường hợp cần thiết, bởi chi phí quá cao. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị mụn bằng laser không kéo dài, bởi khi laser hủy các tuyến bã nhờn đang hoạt động, không chắc là có thể tiêu diệt các tuyến bã nhờn khác hay đơn vị nang lông khác. Do đó, để "thanh toán" hết mụn, không thể nào chỉ chiếu laser một hoặc hai lần. Cũng cần hiểu rằng, không phải chiếu laser vào thì hết mụn. Đối với các mụn đã nổi và có mủ trên mặt, bên cạnh chiếu laser, vẫn cần phải điều trị hỗ trợ bằng nội khoa hay các phương pháp khác... Điều trị bằng laser, mụn có thể bớt, nhưng bệnh nhân có thể sẽ bị tăng sắc tố dẫn đến nám da sau đó; hoặc có trường hợp viêm da dị ứng, bệnh nhân bị viêm đỏ vùng da mặt.
Ngoài ra, tia laser cũng có những chống chỉ định, đặc biệt là với bệnh nhân tăng sắc tố sau viêm, những bệnh nhân có da nhạy cảm, bệnh nhân có viêm da do tia laser, bệnh nhân bị viêm da dị ứng...
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng “Nhiều người nghĩ làm đẹp bằng máy móc, công nghệ hiện đại thì không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng thường xảy ra trường hợp như cháy da, xuất huyết, sạm, mất sắc tố da, hoặc gây sẹo, nhiễm trùng da…”.