Cách chăm sóc da và chế độ dinh dưỡng cho người bị vẩy nến
Lưu ý khi chăm sóc da
- Khi bạn phơi nắng, dù tia cực tím chưa đủ để làm cháy nắng làn da của bạn nhưng cũng đủ để gây thương tổn cho da, nhất là lúc này da bạn đang bị rối loạn điều tiết sinh ra bệnh vẩy nến. Vì vậy cần tránh tiếp xúc với tia cực tìm càng nhiều càng tốt.
- Ngoài ra để tránh bệnh vẩy nến phát triển và lan rộng bạn cần tránh làm tổn thương da, côn trùng cắn, nhiễm vi khuẩn và vi rút, cháy nắng, stress, rượu và tăng cân.
- Nếu bệnh vẩy nến trở nên nặng và khó chữa thì có thể bạn chọn phương pháp dùng tia PUVA kết hợp với thuốc trị vậy nến. Tuy nhiên cách này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da hơn là bạn dùng tia UVB để điều trị mà cũng cho kết quả tương tự.
Hãy đến khám bác sĩ nếu:
- Bệnh vẩy nến của bạn trở nên tồi tệ hơn sau khi bạn ngừng dùng thuốc corticosteroid (thuốc hen). Có thể bạn cần một đơn thuốc khác để điều trị bệnh này.
- Những tổn thương da của bạn không phản ứng lại với bất kỳ cách điều trị nào, thì cần phải kiểm tra lại những thương tổn dưới da.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị vảy nến
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến, nhưng hình thức thường được áp dụng vẫn là các loại thuốc có chứa corticosteroid. dù vậy hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn vì hai trở ngại cơ bản:
- Bệnh không dứt hẳn sau khi ngưng thuốc.
- Thuốc có nhiều phản ứng phụ tai hại không thua căn bệnh.
Hiện nay có khuynh hướng trở về với dinh dưỡng liệu pháp nhằm vận dụng hoạt chất dễ dung nạp trong thực phẩm để thay thế các chất dễ gây hại trong dược phẩm.
Thực phẩm ưu tiên:
Cá biển: loại có nhiều 3-Omega như cá hồi, cá thu, cá saba… Nghiên cứu cho thấy nếu dùng 150g mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục có thể giảm lượng thuốc corticosteroid đến phân nửa mà không mất hiệu năng của thuốc nhờ 3-Omega có tác dụng ức chế các chất sinh viêm trong bệnh vảy nến như leucotriene 3 và 5.
Rau quả: có nhiều beta-carotin như trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài để bảo vệ cấu trúc mong manh của da
Mè đen: vừa chứa dầu béo có cấu trúc tương tự 3-Omega, vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi liên kết (collagen) dưới da.
Bông cải xanh: để bổ sung acid folic là tác nhân sinh học giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Chất này lại rất dễ thiếu trong bệnh vảy nến.
Nghêu sò: nhằm cung ứng kẽm, khoáng tố tối cần thiết không chỉ cho da mà cho sức đề kháng. Người bị vảy nến không nên có định kiến phải tránh hải sản vì sợ đó là các món ăn vào thêm ngứa. Quan điểm đó chỉ đúng nếu người bệnh dị ứng với hải sản nào đó.
Thực phẩm cần hạn chế:
Thịt, sữa, trứng: vì chứa nhiều arachidon là chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy không chỉ ngoài da, mà trong khớp, trên thần kinh ngoại biên…
Rượu bia: vì độ cồn là đòn bẩy cho phản ứng thoái biến các loại chất đạm có tác dụng sinh dị ứng. Hơn nữa, tiến trình giải độc rượu của gan bị trì trệ rất nhiều ở người có cơ địa vảy nến.
Kết luận:
Vẩy nến là bệnh hơi khó trị, cần kiên nhẫn. Bác sĩ lo chọn lựa thuốc, bệnh nhân cũng cần hợp tác với bác sĩ và tự chăm sóc bệnh của mình.
- Tắm mỗi ngày để loại bỏ vẩy bám trên da. Tránh nước quá nóng, xà bông quá mạnh làm da thêm khô ngứa. Lau da nhẹ nhàng tránh gây tổn thương thêm.
- Pha dầu tắm như Epson, Dead Sea salt, dầu thực vật trong bồn nước, ngâm mình khoảng 15 phút cho da mềm.
- Ngay sau khi tắm, da còn hơi nước, thoa các loại kem làm ẩm da. Mùa lạnh khô, cần thoa kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày.
-Nhớ thoa và dùng thuốc trị bệnh do bác sĩ chỉ định
-Giữ hẹn tái khám để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh, thay đổi trị liệu.
-Phơi nắng nhẹ cũng giúp phần nào nhưng đừng để da cháy nắng
-Tránh gãi chỗ ngứa. Giữ da ấm.
-Tìm hiểu thêm về bệnh để biết cách chăm sóc, tránh tái phát hoặc trầm trọng hơn.
Đôi khi người bệnh cũng nên có thái độ hòa hoãn, sống chung hòa bình với vẩy nến, một bệnh tương đối lành tính, tuy khó chữa, nhưng không gây hậu quả hiểm nghèo như nhiều bệnh khác.
Nguồn: Thuocbietduoc.com
(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)