Thuốc trị bệnh đau thần kinh tọa

Cập nhật lúc 18:57 / 31.10.2012

Thuốc trị bệnh đau thần kinh tọa

Đau mỏi cột sống, nhất là thắt lưng, đau xuống mông và mặt sau đùi qua khuỷu đầu gối xuống đến bắp chân, ngón chân thường là giữa ngón chân cái và ngón thứ 2, đó là đau dây thần kinh hông hay là đau thần kinh tọa.

Triệu chứng: Đĩa đệm bắt đầu thoái hóa từ 25-30 tuổi tùy thuộc vào công việc lao động nặng nhọc như khuân vác, tư thế đứng, gánh gồng... là những yếu tố thúc đẩy quá trình sinh bệnh.

Khi thoát vị đĩa đệm, chức năng lò xo mất hoặc giảm. Nhân nhầy mất nước khô dần, mất đàn hồi tức là mất lực căng phồng. Nhân nhầy lại dễ vỡ thành mảnh nhỏ làm rách vòng sợi đĩa đệm, làm suy yếu dây chằng dọc sau, chèn ép vào rễ thần kinh gây đau. Nếu chèn ép vào rễ thắt lưng V thì hướng đến ngón chân cái và ngón gần ngón cái. Nếu chèn ép vào rễ cùng I thì hướng đến bờ ngoài bàn chân và lòng bàn chân đến 2/3 ngoài. Đau có thể âm ỉ nhưng cũng có thể dữ dội như dao đâm. Đau tăng lên khi ho, hắt hơi, cúi gập cổ... Cột sống có thể bị lệch vẹo do tư thế chống đau, đi lại cách hồi (đi được một đoạn đường phải nghỉ vì đau, sau khi đi lại được thì quãng đường sau ngắn hơn đoạn đường trước). Đau và tê bì, tê cóng mé sau cẳng chân, mu bàn chân, ngón chân. Khó gấp bàn chân. Nặng có thể gây teo cơ mông, cơ cẳng chân, chân lạnh, phù, ra mồ hôi hoặc liệt vài nhóm cơ. Đi dép không có quai hậu dễ bị trượt. Nằm ngửa phải co chân đau, không duỗi thẳng được.

Đau thần kinh tọa 80% là đau dây hông, do rễ, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm, 20% là do căn nguyên khác như gai, lao, trật, u rễ thần kinh hoặc chấn thương...

Điều trị đau thần kinh tọa cần kết hợp phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, vật lý trị liệu).

Chữa trị như thế nào?

Xét nghiệm, chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ hoặc Xquang. Chẩn đoán phân biệt thuốc chủ yếu điều trị nội khoa.

Thuốc giảm đau: Có thể dùng các thuốc giảm đau, hạ nhiệt chống viêm không steroid (AINS) như ibuprofen, ketoprofen, diclofenac, indomethacin... hoặc các thuốc paracetamol kể cả những thuốc phối hợp hoặc thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như celecoxilo, hoặc dẫn chất tổng hợp oxicam như piroxican.

Kết hợp với thuốc thư giãn cơ, giãn mạch như mephonecin (biệt dược: decontractyl, decozactyl...) hoặc với tolperison (biệt dược: micorelax, mydocalm, tomeron, etalysone) và một số thuốc khác tương đương hóa học như eperison, methocarbamol, thiocolchicosid...

Luyện tập: Trong khi uống các thuốc trên, kết hợp ngay với luyện tập, với các động tác:

- Nằm trên giường cứng hoặc đệm cứng (không nằm trên giường đệm mềm, lún).

- Nằm thẳng người, từ từ giơ thẳng một chân lên, vuông góc 45 độ (hoặc hơn) với thân, xong từ từ hạ xuống, đổi sang chân kia (mỗi chân làm 8-10 lần).

- Nằm ngửa trên giường, duỗi thẳng hai chân, từ từ giơ thẳng cả hai chân, tạo một góc 45, 50, 60 độ với thân và đầu (càng lớn càng tốt). Từ từ hạ chân xuống. Làm 10 lần.

- Ngồi dậy, bên mép giường, hai chân để dưới nền. Giơ hai tay ngang mặt, đánh hai tay về bên phải rồi về bên trái (hết cỡ). Làm 10 lần.

- Đứng thẳng người, hai chân hơi dạng, cúi khom người xuống, hai tay sờ vào được ngón chân cái, đánh tay sang phải, rồi sang trái (hết cỡ). Làm 10 lần.

- Đứng thẳng người, chân hơi dạng, hai tay chống bên hông, lắc vòng (không cần vòng) hết cỡ theo chữ  o về phải, xong về trái (10 lần), tiếp đó lắc theo chữ      về phải xong về trái 10 lần.

Uống thuốc kết hợp luyện tập như thế chắc chắn sẽ có cải thiện nhanh chóng bệnh thần kinh tọa đặc biệt với thể cấp tính và thể mạn tính, các tình trạng đau lưng không rõ nguyên nhân, kể cả đau hông cả hai bên. Nếu kết hợp thêm với liệu pháp vật lý thì càng tốt.

Một số phương pháp chữa trị khác như tiêm novocain + vitamin B12 vào khoang ngoài màng cứng, tiêm triamcinolon trực tiếp vào đĩa đệm cũng có kết quả tốt nhưng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Với các trường hợp bệnh nặng, liệt và teo cơ, rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện mất tự chủ, do thần kinh đuôi ngựa, đau tái phát nhiều lần ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động, sinh hoạt cần phải nghĩ đến phẫu thuật.

Điều trị đau thần kinh tọa cần kết hợp phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, vật lý trị liệu).

DS. Phạm Thiệp

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12277865