Chữa bệnh đau nửa đầu bằng y học cổ truyền
ảnh minh họa
Rau má 12 g, hương phụ 8 g (sao, tẩm nước tiểu bé trai), thảo quyết minh 12 g sao thơm, vỏ bưởi 8 g phơi khô, sao lên, rễ nhàu 12 g. Cho 3 bát nước sắc lấy 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày, dùng lúc nóng, chữa đau đầu rất hiệu quả.
Đau nửa đầu còn gọi là migraine, bao gồm những cơn đau kịch phát, tái diễn không theo chu kỳ nhất định, thường kèm theo những rối loạn về thị giác và rối loạn tiêu hóa. Căn bệnh này đang hành hạ khoảng 20% dân số thế giới, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, tuổi tác. Bệnh đặc biệt trầm trọng đối với những phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 40.
ảnh minh họa
Bệnh nhân thường trải qua một giai đoạn suy sụp về tinh thần, buồn phiền, bứt rứt, biếng ăn, hoa mắt, buồn nôn. Những triệu chứng này có thể xảy ra liền trước hoặc đồng thời với những cơn nhức đầu. Trong khi nhức đầu, bệnh nhân thường thấy buồn nôn, sợ ánh sáng, tiếng ồn, sợ những kích thích và muốn được yên tĩnh. Cơn nhức đầu xảy ra ở một bên và thường chỉ xảy ra ở bên đó đối với mỗi bệnh nhân. Hãn hữu ở một số rất ít trường hợp, cơn nhức đầu có thể xảy ra ở bên đối diện hoặc nhức cả hai bên.
Y học cổ truyền thường chữa bệnh này bằng bài thuốc cổ Tiêu dao thang: Sài hồ, bạch thược, đương quy, bạch truật, phục linh mỗi thứ 12 g; bạc hà, cam thảo (nướng qua), sinh khương (nướng qua) mỗi thứ 4 g. Cho 3 bát nước sắc lấy hơn nửa bát, khi sắp đưa thuốc ra khỏi bếp mới bỏ bạc hà vào, uống nóng. Bài thuốc này cũng được dùng để chữa suy nhược thần kinh, kinh nguyệt không đều, biếng ăn, khó ngủ, hay căng thẳng cáu gắt, đau tức hai hông sườn.
Sau khi bệnh nhân uống một vài thang, thày thuốc thường cho dùng thuốc bổ âm, dưỡng huyết, chẳng hạn như bài Lý âm tiễn: Thục địa 16 g, đương quy 12 g, can khương 8 g (sao ngoài đen, ruột ở giữa còn vàng, sao xong tẩm nước tiểu bé trai), cam thảo (nướng) 4 g. Cho 3 bát nước sắc còn non một bát, chia làm hai lần uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)