Dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần phân liệt

Cập nhật lúc 16:35 / 21.11.2012

Dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần phân liệt

 

Các yếu tố nguy cơ của tâm thần phân liệt:

- Tuổi: Hầu hết bệnh bắt đầu ở lứa tuổi 18-28.

- Nhân cách: Được nhìn nhận như một yếu tố tiền bệnh lý. Những người hay ngượng ngập từ thời thơ ấu, ngại tiếp xúc và sống cô độc thường gặp khó khăn trong việc tạo mối quan hệ với người khác giới ở tuổi vị thành niên. Có thể vì vậy nên họ thích ở những nơi càng ít giao tiếp càng tốt. Tuy nhiên, người có nhân cách này thường không phát triển thành tâm thần phân liệt nếu không chịu tác động của nhiều yếu tố khác.

- Tiền sử có uống các loại thuốc gây ảo giác như LSD, amphetamin; nhiễm khuẩn hoặc phẫu thuật trầm trọng, các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài ngày.

- Gần ngày sinh con, đặc biệt khi lao động nặng kéo dài, chảy máu nhiều, đứa trẻ yếu.

- Uống corticoide.

Khuyết tật nghe hoặc nhìn, đặc biệt là với người già hoặc trung niên, thường là người sống độc thân hay phụ nữ. Khuyết tật làm trở ngại nhận thức đúng đắn của họ về môi trường sống.

- Có tiền sử gia đình về tâm thần phân liệt, chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em ruột, đặc biệt là những trường hợp sinh đôi cùng trứng.

 

- Bị stress trầm trọng ở cơ quan hoặc ở gia đình.

                                ảnh minh họa

Các dấu hiệu sớm của bệnh

Dần dần cách ly với xã hội, bạn bè: Người trẻ tuổi tăng việc sử dụng thời gian ở trong phòng. Khi tiến triển thành bệnh tâm thần phân liệt, dấu hiệu này thường đi kèm với bất động, ngủ lịm ban ngày và có nhiều hoạt động về ban đêm. Người lớn tuổi hơn có thể giảm giao tiếp với người thân, bạn bè và sợ ai đó làm hại mình. Bệnh tiến triển làm họ sợ cả thức ăn và nước uống, vì cho rằng mình bị đầu độc bởi những kẻ khủng bố.

Suy giảm hiệu suất làm việc: Cảm thấy khó khăn trong việc tập trung chú ý; biểu hiện rõ ở những người lao động trí óc, họ thấy khó khăn trong học tập. Người lao động chân tay không thể dậy sớm và đi làm đúng giờ, họ bị phê bình là chậm chạp và kém hiệu quả trong công việc.

Bận tâm quá mức tới sự xuất hiện các triệu chứng cơ thể: Những người vị thành niên thường rất bận tâm tới những gì họ cảm thấy. Họ lo lắng về sự tăng cân, có trứng cá ở mặt, sự lôi cuốn ở người khác giới. Sự thổi phồng và cường điệu này có thể là một trong những triệu chứng sớm của tâm thần phân liệt: một người trẻ có thể đứng hàng giờ trước gương, kiểm tra mụn nhọt, tự hỏi về hình dáng mũi hoặc đường ngôi của họ.

Trầm cảm: Biểu hiện có thể là sự mất quan tâm thích thú với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống vô vị, ăn kém ngon miệng và rối loạn giấc ngủ.

Thay đổi trong hoạt động: Bệnh có thể bắt đầu bằng sự suy sụp trong hoạt động, người bệnh trở nên thờ ơ, luôn thấy mệt mỏi và hầu như suốt ngày nằm trên giường. Ngược lại, có người trở nên ít ở nhà, hay đi lang thang đâu đó, trở về với dáng vẻ lôi thôi, lếch thếch và kiệt sức.

Những ý nghĩ và hành vi kỳ lạ: Xuất hiện hoang tưởng, thường được giữ kín nhưng có thể bộc lộ trong hình thức buộc tội kỳ quái chung quanh người bệnh. Chẳng hạn, một người chồng tin rằng vợ mình đang muốn phản bội, nên đã nhanh chóng trở về nhà, trèo lên mái nhà, trốn trong tủ hoặc trong phòng ngủ rồi nhảy ra để bắt người tình tưởng tượng của vợ. Những lời thanh minh của vợ càng làm anh ta tin tưởng vào ý nghĩ của mình. Có những cô gái từ chối đi làm vì sợ người ta cho rằng cô là gái điếm, đang cười cô và thậm chí có âm mưu giết hại cô.

Hoang tưởng có thể chi phối hành vi người bệnh, như từ chối ăn một số thứ mà họ cho là có chất độc. Họ nghĩ căn phòng sắp bị nổ tung hoặc có bẫy, ô tô chạy trên đường là của bọn khủng bố.

Rối loạn tư duy: Thay đổi quan hệ với người thân, tự nhiên mất hết tình cảm với con cái hoặc vợ chồng. Người bệnh có thể nhận thức được điều này, họ thường phàn nàn không có tình cảm như trước đây. Họ có thể nói về sự mất mát người thân một cách rất dửng dưng, song lại khóc sướt mướt khi thảo luận một vấn đề không quan trọng. Điều này không có nghĩa nỗi đau buồn thực sự không được cảm nhận mà nó chỉ không biểu hiện ra thôi.

Ảo giác: Thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ thật sự nghe được tiếng nói không có thật, và thường là chống lại chúng. Có lúc lời nói làm người bệnh nghi ngờ và tăng dần sự xa lánh. Có lúc tiếng nói có thể làm người bệnh mỉm cười, tự cười vô duyên cớ.

Người bệnh cảm thấy mọi thứ đều có ý nghĩa đặc biệt: người trên ti vi đang phát thanh những chi tiết về con người và nói những lời hạ thấp họ. Có người cáu giận vì cách đặt cái bàn hoặc đỗ ô tô.

Cảm giác về những bệnh lý cơ thể: Người bệnh cảm thấy sự thay đổi tinh thần liên quan tới một bệnh trầm trọng nào đó. Họ thường tìm đến bác sĩ với những lời than phiền mơ hồ. Họ thường ăn không ngon miệng, dẫn đến sút cân. Sự ngừng hoạt động làm cho họ trông như kiệt sức và cũng góp phần gây sút cân. Họ có thể tìm sự nương náu ở thuốc lá hoặc rượu.

TS Cao Tiến Đức, Sức Khỏe & Đời Sống

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12278046