Rối loạn tâm thần tăng cao

Cập nhật lúc 21:57 / 26.11.2012

Rối loạn tâm thần tăng cao

1. Bệnh viện Tâm thần TW 2 (Biên Hòa-Đồng Nai) có khuôn viên rộng 19ha, thiết kế như một khu du lịch sinh thái. Đó lại là nơi điều trị những người đã mất đi “phần hồn”. Nhờ một bác sĩ, tôi mới lọt được vào giữa đám đàn ông mặc y phục xám nhợt trong gian phòng ồn ào. Hỗn loạn bắt đầu. Người khoe cái này, người đòi cái khác, người cười nước dãi chảy dòng dòng, người khóc than không ngớt.

Trên cầu thang, người đàn ông trắng trẻo, sang trọng bước xuống, đưa tay bắt một cách đầy tự tin rồi đưa tôi tới ghế đá gần đó quảng cáo: “Anh ghi số điện thoại của tôi đi, danh thiếp tôi vừa hết. Tôi, phó giám đốc Công ty TNHH A, lĩnh vực kinh doanh: điện thoại di động, vé máy bay, xe du lịch, kim khí điện máy…”. Người đàn ông “thành đạt” này đọc liền một hơi ba số máy điện thoại, địa chỉ công ty và nhà riêng ở TPHCM. Anh là Ngô Hoàng Kim (*), con một gia đình khá giả ở TPHCM, cha từng giữ trọng trách rất cao của nhà nước, mẹ là giáo viên. Anh từng học nhạc cổ điển ở Nhạc viện TPHCM, rồi tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh (Đại học Ngoại thương) với bao mơ ước.

Vào đầu những năm 90, anh trai Kim mở doanh nghiệp. Kim cũng bắt đầu xuất hiện những “ý tưởng kinh doanh” chẳng giống ai, Kim soạn một loạt quảng cáo đăng báo tuyển nhân viên với mức lương tính bằng đô la. Hàng trăm ứng viên đã đến địa chỉ đăng báo (nhà Kim), hy vọng được tuyển dụng. Mẹ anh phải ra mặt xin lỗi họ về hành động của con trai mình. Màn tuyển dụng được diễn đi, diễn lại nhiều lần. Gia đình Kim phải đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng càng ngày bệnh tình anh càng nặng. Năm 2005, người cha 82 tuổi đã phải lừa đứa con trai 35 tuổi này về Biên Hòa “mở doanh nghiệp” rồi… đưa thẳng vào BV Tâm thần TW 2.

Khi mới gặp, qua cách chuyện trò lưu loát, lôgic, mạch lạc của anh khó có thể nói anh mắc bệnh tâm thần. Trong quá trình tiếp xúc với Kim, mấy lần tôi cố tình ghi chép sai số điện thoại và số nhà riêng, anh phát hiện ra và chữa lại ngay.  “Ở trong này các bác sĩ chăm sóc tốt lắm, chỉ buồn không được đi chơi nhiều như lúc ở nhà thôi…” - Kim cố tình nói nịnh khi thấy bác sĩ điều trị tới gần. Theo bác sĩ điều trị, anh bị “thể hưng cảm cộng loạn thần và hoang tưởng”. 


                                                            ảnh minh họa

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần: rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, khó thở, đau mỏi người. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân. Nếu thấy người thân có những biểu hiện rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ, người nhà nên đưa người thân đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... 

Hôm tôi đến, bác sĩ đưa anh qua khu vực làm đồ mỹ nghệ của BV để trị bệnh theo phương pháp điều trị bằng liệu pháp tâm lý xã hội. “Mấy việc nhỏ thế này mà giao tôi à? Tôi là một doanh nhân phải ký kết những hợp đồng trị giá hàng triệu đô la, giải quyết bao việc làm cho thanh niên thất nghiệp, giờ vào đây lại làm mấy cái nhỏ nhặt này…” - Kim khăng khăng.

2. Ở khoa bên cạnh, anh Nguyễn Văn Đậu (Hố Nai - Đồng Nai), 45 tuổi, vốn là giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh đồ gỗ B. Ba Đậu là nghệ nhân có tiếng một thời, anh lớn lên nối nghiệp ông. Từ cơ sở gia đình, Đậu có công nâng lên thành doanh nghiệp tư nhân, rồi công ty TNHH chế biến gỗ xuất khẩu. Đậu trở thành doanh nhân thứ thiệt, ký được nhiều hợp đồng lớn bán hàng qua Mỹ, Úc, châu Âu…, kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm gỗ mỗi năm tới 2-3 triệu USD nhưng Đậu đã không vượt qua nổi những áp lực thị trường. Làm ăn với nước ngoài, thời hạn giao hàng phải chính xác từng ngày, giờ, mẫu mã trăm cái như một vì vậy do đôi lần giao hàng không đúng hẹn cho đối tác nước ngoài nên công ty phải chấp nhận phạt tiền tỷ. Rồi hàng ế…! Vợ tiếc của, tối ngày đay nghiến chồng, Đậu sinh stress. Biểu hiện ban đầu của anh là thường la mắng mọi người trong nhà, bắt thợ làm những công việc rất phi lý, rồi chơi bời, đập phá… Sợ mất bạn hàng, cả gia đình cố giấu biệt bệnh tình của Đậu.

Bệnh của anh ngày càng nặng theo mỗi hợp đồng ký kết. Cuối cùng gia đình cũng phải đưa anh vào BV Tâm thần TW 2 với chẩn đoán: “Rối loạn stress sau sang chấn”. 12 năm, không dưới hai chục lần anh phải nhập viện vì chứng bệnh này. Liên tiếp, khi đỡ bệnh anh lại về kinh doanh; bị bệnh, lại vào. Nhiều đêm mọi người đang ngủ, anh dậy ra sân quát mắng một mình như lúc điều hành công ty làm cả nhà thức giấc ra ngồi thành hàng cho anh đóng vai chủ, đi vòng vòng chỉ đạo công việc. Bác sĩ điều trị của Đậu cho biết: bệnh anh muốn hết, chỉ có con đường bỏ kinh doanh.

3. Hôm đến Khoa Nam, BV Tâm thần TPHCM, tôi còn được tiếp cận Trần Thành Long, một thanh niên 30 tuổi, cao lớn, đẹp trai, tốt nghiệp cử nhân Công nghệ Viễn thông (Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM). Nhìn ánh mắt linh hoạt của Long không ai ngờ anh vừa được đưa vào đây một tuần. Long ra trường năm 2002, từ đó đến nay anh đã chuyển 10 chỗ làm việc. Khi tôi hỏi tại sao lại chuyển nhiều nơi như thế, Long thản nhiên: “Em muốn làm nhiều chỗ để lấy kinh nghiệm”. Bố Long cho biết: Con ông đang đi làm bình thường, bỗng một ngày anh cứ mang vật dụng trong nhà chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, xáo trộn tùm lum.

Thi thoảng lại liếc nhìn bố cười tủm, rồi bỏ đi không nói năng gì. Theo lời bố Long, trước khi mắc bệnh anh nặng hơn 70 ký, bây giờ còn có 53 ký. BV Tâm thần TPHCM chẩn đoán Trần Thành Long mắc bệnh “Hoang tưởng bị hại”.

Cũng trong Khoa Nam, tôi còn tiếp cận với Nguyễn Ngọc Cường (Hải Phòng). Cường du học Tiệp Khắc đầu những năm 90, tốt nghiệp cử nhân ngành Luyện kim ở thủ đô Praha. Sau 5 năm, trở về nước, tìm kiếm việc làm mãi vẫn không vừa ý, sinh bệnh, Cường bỏ nhà đi… “tìm việc”. Đầu năm nay, một người đồng hương gặp anh đang khóc, cười một mình ở TPHCM, đã đưa anh vào BV này. Cường thuộc diện bệnh “tâm thần sa sút”. Ở đây, Cường thường chải chuốt tóc tai bóng mượt, túi áo cài 5 cái bút nắp vàng, tay cầm tập giấy gõ cửa từng phòng ở BV Tâm thần tìm… việc làm!

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 0,3% dân số thế giới bị bệnh tâm thần phân liệt. Riêng Việt Nam tỷ lệ này hiện là 0,3-0,5%. Những loại bệnh trầm cảm, lo âu… phần lớn rơi vào những người hoạt động trí não nhiều. Các chuyên gia ngành thần kinh cho rằng, xã hội càng phát triển, loại bệnh này càng gia tăng.  

4. Đa phần vì áp lực công việc nhưng cũng có những lý do đời thường đã đẩy các bệnh nhân vào đây. Huỳnh Yến Nhi (Thủ Dầu Một-Bình Dương) làm kế toán tại một công ty bảo hiểm quốc tế  - chi nhánh Bình Dương. Hai năm trước, cô gặp và yêu một người con trai hơn mình một tuổi. Bạn trai cô vừa bảo vệ thành công học vị tiến sĩ ở TPHCM. Sau đó, anh nói sẽ đi Singapore 3 tháng học thêm chứng chỉ Quản trị Kinh doanh để về mở công ty gia đình nhưng Nhi không đồng ý, viện ra trăm ngàn lý do để không cho anh đi rồi sinh bệnh. Người yêu Nhi vẫn dùng số sim di động cũ nhưng cô khẳng định anh đã thay đổi nhiều số điện thoại để tránh mặt cô.

Theo cô, bạn trai cố ý bỏ rơi mình chứ không phải đi học, mấy lần Nhi có ý định tự tử nhưng không thành. Anh bạn trai đã đưa người yêu vào BV Tâm thần TW 2, các bác sĩ xác định cô thuộc “Loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu”. Sau đó, gia đình cô đưa con về điều trị ngoại trú. Hiện nay, cô vẫn đang điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ - kết hợp tâm lý với thuốc. Tôi đã tìm đến nhà Nhi, một căn nhà to đẹp nằm bên QL 13 kín cổng cao tường, cô đang lầm lũi một mình giữa sân. Cả nhà hôm nay đi vắng, tôi ngồi ngoài song sắt nói chuyện với cô đến chiều. Khi tôi đi Nhi vẫn đổ người vào cửa sắt nhìn theo tôi như muốn nói điều gì cô đang giấu kín.

Ở BV Tâm thần TW 2 còn có cả gia đình tâm thần đang sinh sống năm này qua năm khác. Người đàn ông trong gia đình này mắc bệnh, khi bớt bệnh anh ta quay về nhà thì người thân không nhận nữa, anh lại tái phát bệnh và còn nặng hơn lần đầu. Sau đó anh vào ở trong này luôn. Những ngày ở đây, lúc tỉnh anh đã thương một cô gái thất tình cùng cảnh ngộ. Cuối cùng một đám cưới nhỏ được tổ chức ở BV rồi họ có 3 mặt con, những đứa trẻ cũng man man như cha mẹ chúng. Gia đình tâm thần này có lẽ sẽ ăn đời ở kiếp tại nơi này.

5. Tôi đã gặp và tiếp xúc rất nhiều trí thức ở BV tâm thần. Mỗi người, mỗi chứng bệnh. Tâm thần học có trên 300 loại bệnh, nó không “kiêng nể” ai, có thể rơi vào học sinh, giáo viên, y - bác sĩ, công chức, doanh nhân, quân nhân, chính khách… Phần lớn bệnh nhân tâm thần đều không biết hoặc cố phủ nhận bệnh tình. Việc đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh đã khó, động viên họ trị bệnh còn khó hơn nhiều.

Hiện nay, BV Tâm thần TPHCM (Sở Y tế TPHCM) đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân. Còn ở BV Tâm thần TW 2 (Bộ Y tế) con số bệnh nhân lên tới gần 1.600, BV Tâm thần TW 1 (Thường Tín - Hà Tây) cũng quá tải tương đương. Số bệnh nhân này phần lớn mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đó là số bệnh nhân nội trú, còn bệnh nhân ngoại trú thì vượt xa những con số này bởi phần lớn những đối tượng doanh nhân, trí thức có điều kiện kinh tế thường khám, điều trị trong các phòng mạch tư, bệnh viện tư nhân và điều trị tại nhà.

ĐÌNH HẢI

Bài viết liên quan

Số lượng người truy cập

12277901