Sáng ngày 24/9/2014, câu lạc bộ dưỡng sinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ chào mừng kỷ niệm 23 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991-01/10/2014) và phát cẩm nang về một số bệnh phụ khoa thường gặp miễn phí cho các hội viên.
Tham gia chương trình, có đại diện ban chấp hành hội, các chuyên gia y tế cùng 250 hội viên. Các tiết mục văn nghệ đã được hội viên thuộc các phường trong quận chuẩn bị kỹ càng để biểu diễn đã được sự hưởng ứng của đông đảo người xem.
Một số tiết mục văn nghệ và múa của hội viên tại chương trình.
Bên cạnh việc thưởng thức các tiết mục văn nghệ, các hội viên còn được chuyên gia y tế phát cho những cuốn cẩm nang về một số bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Khi cầm cuốn cẩm nang trên tay, mỗi người đọc sẽ ý thức được mức độ báo động về tình trạng gia tăng tỷ lệ chị em mắc bệnh phụ khoa cũng như sự nguy hiểm của những bệnh này, gây ảnh hưởng như thế nào tới khả năng sinh sản và sức khỏe của phụ nữ. Theo các chuyên gia, hầu hết mọi phụ nữ đều có thể mắc bệnh phụ khoa, chỉ có điều người nhiều người ít, có người tự khỏi, có người phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ. Có nhiều chị em ngại không đi khám, điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ khiến bệnh dễ tái phát, để lại di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Cuốn cẩm nang đã đi sâu vào phân tích về tình trạng đau bụng kinh thường gặp và một số bệnh phụ khoa phổ biến như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng,… Đau bụng kinh (hay còn gọi là thống kinh) là hiện tượng đau bụng dưới lúc sắp thấy kinh, trong khi hành kinh hoặc sau khi đã sạch kinh vài ngày. Cơn đau có thể lan lên xương ức hoặc xuống đùi, có khi đau khắp bụng, kèm theo các triệu chứng như: đau đầu, căng vú, buồn nôn,... Đau bụng kinh được chia làm 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, đau bụng kinh thứ phát có nguyên nhân là do một số bệnh lý như: viêm dính tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung,… cần điều trị sớm. Cuốn cẩm nang cũng đưa ra một số lời khuyên của các chuyên gia về chế độ sinh hoạt và biện pháp giúp giảm đau bụng kinh vào ngày “đèn đỏ” như: nên dăn nhiều cá, thực phẩm giàu vitamin, uống nhiều nước; không sử dụng chất kích thích, tránh thực phẩm chua, chát; ngủ đủ giấc, có thể chườm nóng bụng, tránh căng thẳng,…
Đối với u xơ tử cung và u nang buồng trứng, đây là hai bệnh lành tính thường gặp. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh rất mơ hồ nên thường chỉ được phát hiện khi đi khám phụ khoa, siêu âm một số bệnh khác hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: ra nhiều khí hư, rối loạn kinh nguyệt, đau tức bụng dưới, rối loạn đi tiêu hay đi tiểu,… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những hậu quả nghiêm trọng như: khó mang thai, sảy thai, đẻ non, đẻ khó, vô sinh,…
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, cuốn cẩm nang cũng đưa ra những lời khuyên cụ thể giúp chị em phòng ngừa bệnh phụ khoa. Trước tiên, chị em phải khám phụ khoa định kỳ tại cơ sở uy tín. Một lối sống lành mạnh, khoa học với chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng hạn chế mắc bệnh phụ khoa: không nên thức khuya, ăn uống khoa học, hạn chế uống rượu, bia, cà phê,... Khi bị rối loạn kinh nguyệt cần được chữa trị vì điều này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng và điều tiết hormon, từ đó dễ dẫn đến các bệnh phụ khoa khác.
Cũng tại chương trình, các hội viên cũng được phát miễn phí tờ rơi về một số bệnh thường gặp khác như: suy thận, tai biến mạch máu não, suy nhược thần kinh, bệnh lý tuyến giáp, bệnh xương khớp,… và được chuyên gia giải đáp tận tình mọi thắc mắc.
Qua chương trình, các hội viên không chỉ được cung cấp những kiến thức cần thiết trong phòng ngừa một số bệnh thường gặp mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng của câu lạc bộ tại địa phương.
L.P